An toàn lao động trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Bảo hộ lao động
Phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường có thuốc bảo vệ thực vật.
Hình 1: Bao tay cao su
Hình 2: Ủng cao su
Hình 3: Kính đeo mắt
Hình 4: Khẩu trang phun thuốc
Hình 5: Trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi phun thuốc
An toàn lao động
– An toàn trong vận chuyển:
- Không vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật cùng với lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, đồ áo, ly, chén…, không để cùng với chỗ ngồi của khách.
- Khi xếp thuốc lên xe cần kiểm tra sàn xe xem có chắc chắn hoặc có đầu đinh làm rách vỡ bao bị thuốc, xếp thùng thuốc nặng xuống dưới.
- Thuốc bị rò rỉ ra sàn xe cần rửa kỹ ngay.
– An toàn trong bảo quản:
- Không mua lượng thuốc quá nhiều để phải bảo quản quá lâu.
- Thuốc khi sử dụng còn dư thừa tuyệt đối không được chuyển sang đựng thuốc trong các bao bì dùng đựng thực phẩm, nước uống (vỏ chai bia, chai nước mắm, chai nước uống…).
- Thuốc BVTV mua về chưa sử dụng hoặc dùng chưa hết phải được cất giữ xa nơi ở, xa bếp nấu, xa nơi để lương thực, thực phẩm, xa chuồng trại gia súc, để nơi trẻ em không với tới được. Nên để trong các phòng riêng biệt, để nơi khô, thoáng, không dột khi bị mưa, có khóa cửa chắc chắn.
- Các cửa hàng bán thuốc phải có kho để thuốc riêng, xa nơi dân cư tập trung, xa nguồn nước sinh hoạt, không bị ngập nước.
– An toàn trong sử dụng:
- Cần chú ý đọc kỹ và làm đúng các hướng dẫn trên nhãn bao bì thuốc. Cụ thể như sau:
- Người đang mệt, phụ nữ có thai và con bú không được làm việc với thuốc.
- Người sử dụng thuốc phải được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động: kính mắt, mũ, găng tay, khẩu trang, quần ảo dài.
- Kiểm tra kỹ bình bơm trước khi sử dụng, không để rò rỉ nước thuốc, mang theo dụng cụ để sửa chữa khi cần thiết.
- Nơi pha chế và phun thuốc không được để trẻ em đến gần.
- Tuyệt đối không được dùng các đồ dùng trong sinh hoạt (xô chứa nước ăn; chậu rửa rau vo gạo; muỗng, thìa, chén ăn cơm, chai đựng nước …) để đong, pha thuốc, đựng thuốc.
- Không phun thuốc khi trời có gió to, nắng gắt.
- Không đi phun thuốc ngược chiều gió, không ăn uống, hút thuốc khi đang làm việc với thuốc.
Hình 6. Không được sử dụng các vật dụng sinh hoạt khi pha thuốc (Nguồn TCCS 20:2010/BVTV)
- Không dùng bao bì đựng thuốc để đựng thực phẩm, nước uống hoặc làm việc khác.
- Dụng cụ đong thuốc, bình bơm thuốc phải được rửa sạch sẽ, quần áo bảo hộ lao động phải được thay và giặt giũ sạch sẽ sau mỗi đợt phun thuốc và phải cất giữ trong kho riêng (cùng với nơi lưu trữ thuốc BVTV của gia đình).
- Đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc.
- Trường hợp bị ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất, ở các thành phố lớn có thể liên hệ số điện thoại cấp cứu 115. Khi đi cấp cứu nhớ đem theo vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật mà người sử dụng đã bị ngộ độc.
Pha dung dịch thuốc theo nồng độ khuyến cáo
Pha theo khuyến cáo lượng sử dụng/ha (tính ra ml hoặc g):
– Có thể tính theo quy tắc tam suất
Ví dụ: Thuốc hướng dẫn dùng liều lượng 0,6 lít/ha. Vậy diện tích cà phê 2,5 ha (25.000 m2) cần bao nhiêu thuốc.
– Cách tính như sau: 0,6 x 2,5 = 1,50 lít
Ghi chú nếu trên bao bì ghi theo đơn vị tính là sào hoặc công thì phải đổi ra m2, sau đó mới tính theo công thức trên.
1 sào Bắc bộ = 360 m2
1 sào (công) Nam bộ = 1.000 m2
1 sào Trung bộ = 500 m2
Lượng thuốc cần pha theo các nồng độ và lượng nước (tính ra ml hoặc g):
- Có thể tính theo 2 cách:
– Cách 1 tính lượng thuốc cần pha trong 1 lít nước (theo quy tắc tam suất) sau đó nhân với lượng nước cần sử dụng trong bình hoặc phi.
– Cách 2: Tra vào bảng tính lượng thuốc cần pha theo các nồng độ và lượng nước. Ví dụ: Thuốc hướng dẫn pha với nồng độ 0,04 %, hãy tính lượng thuốc (g hoặc ml) pha cho bình 8 lít, bình 16 lít, phi 200 lít
Cách tính như sau:
– Lượng thuốc cần pha cho bình 8 lít nước ((0,04 x 1000)/100)x 8 = 3,2 g
– Lượng thuốc cần pha cho bình 16 lít nước ((0,04 x 1000)/100)x 16 = 6,4 g
– Lượng thuốc cần pha cho phi 200 lít nước ((0,04 x 1000)/100)x 200 = 80 g
Tính lượng thuốc pha cho bình hoặc phi phun thuốc theo lượng nước cần phun và liều lượng thuốc dùng (tính ra ml hoặc g)
Ví dụ: Thuốc hướng dẫn dùng với lương thuốc 2,0 kg/ha với lượng nước phun 600 lít/ha. Hãy tính lượng thuốc phải pha trên bình 8 lít nước, phi 200 lít.
Cách tính:
– Đối với bình 8 lít
Số bình phun thuốc (8 lít) cần sử dụng trên 1 ha = 600 lít : 8 lít = 75 bình
Quy đổi lượng thuốc sử dụng tính ra g = 2 kg x 1000 g = 2000 g
Lượng thuốc tính trên 1 bình = 2000 g : 75 bình = 26,6 g/bình
– Đối với phi 200 lít
Số phi (200 lít) cần sử dụng trên 1 ha = 600 lít : 200 lít = 3 phi
Quy đổi lượng thuốc sử dụng tính ra g = 2 kg x 1000 g = 2000 g
Lượng thuốc tính trên 1 phi = 2000 : 3 = 666,6 g
Tính lượng thuốc thương phẩm theo hàm lượng hoạt chất và lượng a.i sử dụng (tính ra kg hoặc lít)
Áp dụng quy tắc tam suất để tính lượng thuốc thành phẩm theo công thức như sau:
x = (Hàm lượng a.i sử dụng (kg) x 100)/hàm lượng hoạt chất
Ví dụ: Có loại thuốc chứa 80 % hoạt chất (800 g/kg), sử dụng với liều lượng 0,03 kg a.i (30 g) thì lượng thuốc thương phẩm phải sử dụng là bao nhiêu
– Cách tính:
Lượng thuốc thương phẩm phải sử dụng là (0,03 x 100)/80 = 0,0375 kg
Thu gom bao bì
– Không được dùng bao bì thuốc bảo vệ thực vật (vỏ chai thuốc, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật…) vào bất kỳ mục đích nào khác.
– Sau khi sử dụng hết phải súc, rửa sạch; thu gom và chôn những bao bì này ở các hố sâu khoảng 0,7 – 1,5 m, rộng 0,6 – 1,0 m ở ngoài bờ lô, cách xa nơi ở trên 3 m. Hố có nắp đậy bằng gỗ hoặc kim loại.
Hình 7: Không nên
Trích nguồn tài liệu: “Bộ bài giảng và công cụ bài giảng về sản xuất cà phê bền vững”
Cuối cùng, cám ơn bà con đã theo dõi bài viết, xin kính chúc quý bà con sức khoẻ, vụ mùa bội thu!