Bệnh chết chậm là từ dân dã mà bà con trồng tiêu chúng ta thường dùng để chỉ chung cho bệnh vàng lá tiêu. Hiện tượng tiêu vàng lá do rất nhiều nguyên nhân khác nhau: Có thể nhiễm bệnh do loài nấm Fusarium gây hại (hoặc cũng có thể do Rhizoctonia solani, Pythium sp., Lasiodiplodia theobromae…) trực tiếp hoặc thông qua các vết thương do tuyến trùng gây ra xâm nhập vào đó làm cho thối rễ chính, thối rễ tơ hoặc trực tiếp gây nhũn cổ rễ.
Các triệu chứng vàng lá do bệnh này rất dễ nhầm lẫn với rệp sáp hại rễ và sâu đục thân họ vòi voi tấn công phần thân sát mặt đất. Ngoài ra trồng tiêu trên đất nghèo dinh dưỡng, đầu tư phân bón không thích đáng cũng gây ra hiện tượng tiêu vàng lá. Do vậy trước khi quyết định xử lý cần xác định rỏ nguyên nhân để có quyết định đúng đắn.
Ngoài việc lựa chọn giống kháng bệnh, chịu hạn, năng suất cao và chất lượng tốt, Hồ Tiêu rất mẫn cảm với tác động của môi trường sinh thái như vườn cây không có đai rừng chắn gió, thiếu bóng che và cây phủ đất, chế độ đầu tư phân bón giử độ phì đất thiếu ổn định, khai thác quá mức làm cây kiệt sức là các yếu tố quan trọng cần có để đảm bảo vườn cây sinh trưởng ổn định, và cho năng suất cao, tuổi thọ kinh doanh dài, bên cạnh đó cần lưu ý thêm:
- Yêu cầu đất có độ phì cao, cấu trúc nhẹ, tầng canh tác sâu, thoát nước tốt,
- Tiêu không chịu được úng hoặc môi trường ẩm thấp,
- Thích ánh sáng tán xạ và sợ gió,
- Suy dinh dưỡng và đặc biệt là khi đã nhiễm bệnh rất khó hồi phục.
Do vậy ngoài các thông tin nêu trên trong quá trình trồng và chăm sóc, bà con cần tham khảo thêm 12 thông tin dưới đây để hạn chế tối đa thiệt hại không đáng có:
- Chuẩn bị đất, hố trồng phải thật kỷ, phân hữu cơ bón lót khi trồng mới hoặc trồng dặm là điều bắt buộc. Không có phân hữu cơ, không nên trồng Tiêu!
- Hàng năm phải bón bổ sung theo quy trình về phân khoáng và phân hữu cơ
- Về mùa khô phải tủ gốc dày 20 kg/gốc để giữ ẩm, phải tưới nước kịp thời không để cây bị héo, khi mùa mưa đến các xác bã thực này sẻ phân hủy và bổ sung lượng hữu cơ cho đất,
- Phải hoàn chỉnh rãnh thoát nước cho tất cả vườn tiêu trước mùa mưa để đảm bảo khi mưa đến, hết mưa là hết nước, không có nước đọng đặc biệt là phía trong gốc.
- Đất trong gốc tiêu phải cao hơn bên ngoài khoảng 10 đến 15 cm, thường xuyên nhổ sạch cỏ, về mùa mưa phải dọn sạch lá khô, cắt tỉa cành sát mặt đất phần trong gốc tiêu để không bị quá ẩm thấp mà lúc nào cũng phải thông thoáng là tiền đề để hạn chế bệnh phát triển.
- Nên trồng choái sống hợp lý để có bóng che cho tiêu và hạn chế sâu đục thân đẻ trứng về mùa khô, phải điều chỉnh ánh sáng của bóng che phù hợp: Về mùa mưa và trước khi ra hoa phải tạo hình choái thật thông thoáng đảm bảo bóng che khoảng 20 %, về mùa khô giữ lại các cành choái để đảm bảo độ che nắng khoảng 60 đến 70%,
- Nếu sử dụng choái (trụ) chết nên xen kẻ từ 30 đến 50% choái sống, hoặc trồng xen cây che bóng, hoặc dùng lưới nilong màu đen để che nắng về mùa khô với lưu ý, cây con che nhiều (có thể 2 lớp lưới) cây lớn che ít (có thể 1 lớp lưới), đến kỳ phân hóa mầm hoa và hoa nở không che để cây cần ánh sáng, khi đã đậu quả ổn định và mùa mưa đến nên cũng không che trừ những năm hạn hán cá biệt.
- Có thể chọn lựa sử dụng thêm các hợp chất sinh học giúp cây sinh trưởng khỏe, ra hoa tập trung theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất nhưng không nên quá lạm dụng hoặc dùng nó để thay thế bất kỳ thao tác chăm sóc nào,
- Hàng năm vào đầu mùa mưa cần phun rửa vườn bằng các hợp chất có gốc đồng (boocdo) để phòng bệnh và cung cấp thêm vi lượng.
- Tiêu năm thứ 2 khi ra hoa bói nên ngắt bỏ để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.
- Thăm vườn thường xuyên: Trong nghề trồng tiêu để cây bị vàng dù bất cứ sâu hay bệnh gì cũng không nên cho dù khắc phục được cũng bị thiệt hại về chi phí, về môi trường cũng như sinh trưởng phát triển và năng suất, cho nên thăm vườn thường xuyên để phát hiện các triệu chứng bất thường, xử lý cục bộ trước rất quan trọng.
Bà con nên biết về mùa mưa khi đã bón đủ phân, hầu hết các cây đều xanh tốt nhưng bên cạnh có một số cây lá vẫn xanh nhưng không bóng mượt, nhìn có vẽ hơi thô cứng và có xu thế ngả sang màu vàng thì chắc chắn đang có vấn đề về hệ rễ, có thể là rệp sáp, có thể là tuyến trùng hoặc cũng có thể thối rễ tơ hoặc nhũn cỗ rễ do một số loài nấm tấn công, ngoài ra cũng có thể bị sâu đục thân. Các cây này chắc chắn sau hai hay 3 tháng sẽ bị vàng lá nên cần kiểm tra nguyên nhân để xử lý ngay, đây là lúc điều trị tốt nhất.
Để có được kỹ năng phát hiện này quả thật không dễ nhưng không phải là không làm được, bà con nên lưu ý để nghiên cứu tìm hiểu.
Khi đã thực hiện đúng các hướng dẫn trên, vườn tiêu rất ít bị sâu và bệnh gây hại và sẻ rất ít dùng đến các hóa chất bảo vệ thực vật.
- Khi sâu bệnh đã phát triển đến ngưỡng cao trở thành nạn dịch thì mới sử dụng hóa chất để phun theo khuyến cáo sử dụng đã ghi trên bao bì sản phẩm. Chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép.
Khi thấy tiêu bị vàng, trước hết phải xác định là do nguyên nhân nào: Nấm gây thối rễ, tuyến trùng, rệp sáp hay sâu đục thân, cây này đã bị một, hai hay nhiều nguyên nhân cùng một lúc. Sau khi chẩn đoán xong mới tiến hành xử lý.
Trong các hình vẽ trên thì: Xử lý thuốc và bón phân bổ sung kịp thời ở thời điểm hình số 2 là tốt nhất, thời điểm hình 3 sẻ thành công trên 70%, thời điểm hình 4 chỉ thành công dưới 40% , và thời điểm hình 5 không nên dùng thuốc và phân bón, đào bới mang ra khỏi vườn đốt và xử lý đất kịp thời là tốt nhất.
Nguồn: Rainforest Alliance