Bạn hãy tưởng tượng, một người bạn mới tặng cho bạn một chậu lan thật đẹp nhưng bỗng thời gian sau hoa bắt đầu tàn nhanh chóng, cây cũng yếu dần, lá có dấu hiệu rụng, thân teo lại và khô. Và chẳng mấy chốc chậu hoa tàn dần. Nguyên nhân chính đó là do bạn chưa biết cách chăm sóc đúng cách, nếu biết cách thì chậu hoa sẽ đẹp và kéo dài thời gian hoa hơn.
Để tìm hiểu chăm sóc hoa lan đúng cách sau khi mua về, hãy cùng khám phá bài viết dưới đây.
Thời kỳ đầu mới mua chậu hoa lan về
- Hãy đặt chậu lan vào một nơi thích hợp ngay, đó là nơi thoáng mát. Cũng có thể treo lên chỗ có mái che phù hợp với yêu cầu ánh sáng của từng loại lan khác nhau. Không nên treo lan ở nơi có ánh sáng trực tiếp, bức xạ cao vì ánh sáng mạnh lá lan sẽ bị cháy, thân teo tóp và ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây và chất lượng hoa bị giảm.
- Không nên thay đổi vị trí chậu lan thường xuyên vì cây có thể không thích nghi được với chỗ mới và làm hoa dễ rụng.
Bón phân cho chậu lan mới mua về
Khi mới mua về, cây đang mang hoa nên cần cung cấp thêm phân NPK tỉ lệ 20-20-20 trong thời kì nuôi hoa. Có thể tìm mua các loại phân này trên thị trường phối trộn thêm các nguyên tố trung vi lượng khác. Đảm bảo bón phân đúng liều lượng khuyến cáo trên bao bì phân bón và mua ở cửa hàng phân bón chất lượng.
Cách tỉa cành cho lan mới mua về
Một thời gian sau, khi hoa đã tàn tiến hành cắt cành mang hoa để dưỡng cây. Không nên để cành hoa quá lâu trên cây sẽ làm cây khó phục hồi.
Thời kỳ chăm bón
Sau khi cắt cành mang hoa, bước sang thời kỳ chăm bón, dưỡng cây giúp cây phong lan phục hồi.
Bón phân
Thời kỳ này bổ sung thêm các nguyên tố dinh dưỡng thông qua các loại phân hữu cơ như phân từ nguồn phân cá, bánh dầu, rong biển,… và các loại phân NPK 20-20-20 theo đúng liều lượng khuyến cáo.
Tưới nước
Tưới nước đầy đủ để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng trong cây.
Xử lý ra hoa trở lại
Sau thời kỳ chăm bón, khi cây phục hồi được 3 – 4 tháng, cây đã tươi tốt trở lại, khỏe mạnh thì tiến hành xử lý ra hoa trở lại.
Nhìn lớp giả hành (nhánh phong lan mới nảy ra từ gốc lan mẹ) cao được nửa giả hành trước đó, ta tiến hành bón phân như sau: bón NPK tỷ lệ 6-30-30, 10-52-17 hay một số tỷ lệ tương tự. Tiến hành bón cho tới khi phân hóa mầm hoa trở lại.
Thời kỳ tích hoa
- Thời kỳ này cây cần nắng nhiều hơn giai đoạn trước 10-20% để kích hoa ra mới.
- Khi hoa đã xuất hiện trên các cành mới, tiến hành bón phân NPK tỷ lệ 20-20-20 và 10-30-30 cho tới khi bông hoa đầu tiên xuất hiện. Sau đó, có thể dùng thêm thuốc Lannat theo liều lượng trên bao bì để ngừa ruồi chích hoa.
- Không nên sử dụng các chất kích thích ra hoa như auxin, GAA,… vì là người bắt đầu chăm hoa lan có thể không thể hiểu được cơ chế sinh học của chúng, phun không đúng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng hoa sau này và sức sống của hoa cũng bị ảnh hưởng.
Chế độ nắng cho các loại phong lan
Mỗi loại lan sẽ có chế độ nắng khác nhau, bạn có thể tham khảo bên dưới:
- Mokara, aranda, renanthera cần 70-80% nắng trực tiếp.
- Dendrobium: 60- 70% nắng trực tiếp.
- Oncidium ( vũ nữ): 40- 50% nắng trực tiếp.
- Cattleya, Vanda lá rộng: 50- 60% nắng trực tiếp.
- Phalaenopsis (Hồ điệp): 30% nắng trực tiếp.
Phòng trừ sâu bệnh hại cho lan
Trong quá trình chăm lan, bệnh là một nguyên nhân gây hại ảnh hưởng đến hoa lan. Vì vậy cần chú ý đến phòng ngừa bệnh trên phong lan để phát hiện nguồn bệnh ngay từ dầu.
Phong lan thường bị nhiễm các bệnh như sau:
- Bệnh do nấm gây hại có thể dùng Benomeyl, Captan, Aliette…
- Bệnh do vi khuẩn gây hại nên dùng: Kasimin, Physan 20, Nacossan…
- Do côn trùng, rệp nên dùng lannate, Supracide, Mipcin…
- Do nhện đỏ gây hại nên dùng Kelthane là tốt nhất.
- Do ốc sên gây hại dùng thuốc có Methaldehyde,vv…
Đối với lan nên phòng bệnh là chủ yếu, tiến hành phun thuốc phòng bệnh theo chu kỳ 7 ngày/lần vào mua mưa và 15 ngày/lần trong mùa nắng.
Trên đây là cách chăm sóc đơn giản để giữ được hoa lan nở lâu và giúp hoa nở trở lại, kiến thức là vô hạn nên mong rằng những kiến thức trên có thể giúp bạn chăm lan tốt nhất.
SACOTEC Chúc bạn thành công và thưởng thức hoa lan nhé !!!