Ngày 30/01/2020, tổ chức y tế thế giới (WHO) sau 2 lần họp khẩn cấp về sự kiện virus corona gây bệnh viêm phổi có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ y tế công cộng trên thế giới vì loại virus này.
TÁC ĐỘNG XẤU TỚI NỀN NÔNG NGHIỆP
Trước ảnh hưởng của đợt dịch kéo dài, nền kinh tế nông nghiệp bị tác động rất lớn, bởi Trung Quốc là thị trường lớn trong xuất khẩu nông sản. Vừa qua giá trị xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc Đã giảm tới 14%. Nếu như dịch bệnh diễn ra trong vòng 1-3 tháng, nông sản XK qua biên giới chịu tác động giảm 400-600 triệu USD. Đây là thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.
Các chợ biên giới đã được đóng cửa, dừng hoạt động. Trước đó, nhiều xe container chở hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua hình thức chính ngạch và trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) bị ùn tắc do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu rớt giá thê thảm. Thanh long ở các tỉnh đầu năm được thương lái hẹn thu mua với giá từ 30-35.000đ/1kg thì dưới tác động của dịch bệnh, giá chỉ còn dưới 5000đ vẫn không có người thu mua. Đây là vụ thanh long nghịch mùa nên chi phí đầu tư rất cao, tốn kém nhất là tiền điện thắp sáng để thanh long ra trái đồng loạt, đúng thời điểm. Ngoài ra, còn mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê lao động, do đó, thanh long không bán được làm nhiều nông dân điêu đứng. Hàng ngàn tấn dưa hấu tới ngày thu hoạch nhưng không thể xuất đi, đành ngậm ngùi đổ bỏ. Trước tình thế đó, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã đứng ra thu mua, người dân giúp giải cứu cho nông dân bớt một phần khó khăn. Một giải pháp khác cũng được đưa ra để giải quyết hàng tồn kho là đẩy mạnh bán hàng nội địa hoặc ký gửi với khách hàng đối tác. Tuy nhiên cũng chỉ là tạm thời, chứ không thể tiêu thụ được nhiều vì có nhiều thị trường không tiêu thụ thanh long ruột đỏ. Còn nếu trữ trong kho lạnh chờ qua giai đoạn khó khăn, thì với mặt hàng thanh long cũng chỉ được khoảng 10 ngày, nhưng trái thanh long sẽ bị mất nước, chất lượng giảm đi.
XUẤT KHẨU GIẢM MẠNH SẢN LƯỢNG, NỀN NÔNG NGHIỆP SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Dịch bệnh kéo dài làm ngưng trệ các hoạt động xuất khẩu nông sản. Gần đây, nông dân trồng sầu riêng cũng lên tiếng kêu cứu. Hàng ngàn tấn sầu riêng tới ngày thu hoạch mà không thể xuất đi. Theo khảo sát tại nhiều chợ bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá sầu riêng đang quay đầu giảm mạnh. Nếu như trước tết, sầu riêng chính vụ được bán với giá 100.000 – 150.000 đồng/kg, thì hiện nay dù đang là mùa sầu riêng trái vụ, thương lái chỉ bán với giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Thói quen của các chủ vườn thường chờ thương lái tới tận vườn thu hoạch, trong khi thương lái lại phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc nên nhà vườn luôn ở thế bị động. Đặc biệt, sau khi có dịch corona, thương lái càng sợ nên không muốn giao thương gì liên quan đến Trung Quốc.
Đến nay, những khó khăn vẫn còn kéo dài theo tình hình dịch bệnh. Vẫn cần những giải pháp để giải quyết những khó khăn trước mắt. Nhưng về lâu dài vẫn cần có các định hướng giúp người nông dân chủ động hơn trong tìm đầu ra cho nông sản ở các thị trường khác trên thế giới để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Nguồn: Tổng hợp