Vườn sản xuất cây gốc ghép
Vườn sản xuất cây gốc ghép được thiết kế, gieo ươm và chăm sóc như mục giới thiệu giống và cách làm vườn ươm. Lưu ý, nếu cây gốc ghép là cà phê mít thì gieo ươm vào tháng 6, 7; cây gốc ghép là cà phê vối thì gieo ươm vào tháng 10, 11.
Tiêu chuẩn cây gốc ghép
– Có 4 – 6 cặp lá; đường kính gốc 3 – 4 mm; cao 25 – 30 cm; sinh trưởng khỏe, không bị vóng.
– Thân thẳng, cây không bị dị dạng, không sâu bệnh; rễ không bị thối.
– Ngưng tưới phân thúc trước ít nhất 10 ngày.
Tiêu chuẩn chồi ghép
Yêu cầu: Chồi ghép phải được lấy từ vườn nhân chồi đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
– Chồi ghép là phần ngọn trên thân vượt, dài 5 – 10 cm có đỉnh sinh trưởng hoặc cặp lá chưa bung và mang 1 cặp lá bánh tẻ.
– Chồi phải được thu hoạch trước 10 giờ sáng và cắt bỏ 2/3 phiến lá.
– Chồi sau khi cắt cần tiến hành ghép càng nhanh càng tốt.
– Khi cần vận chuyển đi xa, chồi được bó thành từng bó với số lượng 100 chồi/bó, bọc bằng giấy đã thấm nước, cho vào thùng xốp để bảo quản. Thời gian bảo quản không quá 3 ngày.
Phương pháp và kỹ thuật ghép
– Dụng cụ ghép
+ Kéo cắt cành (dùng để cắt chồi ở vườn nhân chồi)
+ Kéo cắt lá
+ Dao ghép
+ Dây ghép
+ Dây buộc túi chụp (nếu chụp bằng túi PE)
– Phương pháp ghép: ghép nêm
– Kỹ thuật ghép:
+ Cắt bỏ ngọn thân gốc ghép, vết cắt cách nách lá bên dưới 3 – 4 cm ở đoạn thân bánh tẻ, chẻ dọc đều giữa thân, vết chẻ dài 2 cm.
+ Gốc chồi ghép được cắt vát hai bên thành hình nêm có độ dài tương ứng vết chẻ trên gốc. Yêu cầu vết vát phải phẳng. Không dùng chồi ghép già.
+ Đưa gốc của chồi ghép vào vết chẻ sao cho 2 lớp vỏ của gốc và chồi ghép áp chặt vào nhau. Trường hợp đường kính chồi ghép và gốc ghép không bằng nhau (thường là chồi ghép lớn hơn gốc ghép) thì chỉ cần đảm bảo sự tiếp giáp 1 bên của chồi và gốc ghép.
+ Dùng dây ghép rộng 1cm buộc chặt và kín toàn bộ vết ghép, vòng buộc ngoài cùng quấn từ dưới lên.
Chăm sóc cây ghép
Sau khi ghép, cây ghép được đặt trong khung giàn cao 0,6 m có phủ kín bằng tấm nhựa trong (hoặc có thể chụp bao nilon cho từng cây ghép). Sau 25 – 30 ngày thì dỡ khung giàn hoặc tháo chụp, cắt bỏ dây buộc vết ghép. Các chăm sóc khác tương tự như phần sản xuất cây thực sinh làm gốc ghép. Sau khi ghép 45 – 60 ngày có thể đem trồng.
Tiêu chuẩn cây ghép xuất vườn:
– Chồi ghép đã ra thêm ít nhất 1 cặp lá mới thuần thục;
– Vết ghép tiếp hợp tốt (không có u, nần ở vết ghép);
– Đã được huấn luyện dưới ánh sáng hoàn toàn ít nhất 1 tuần;
– Không bị sâu bệnh và dị dạng.
Ưu nhược điểm của các phương pháp nhân giống
Phương pháp nhân giống hữu tính
– Ưu điểm: Yêu cầu kỹ thuật không cao, dễ làm, hệ số nhân khá cao, giá thành cây giống thấp.
– Nhược điểm: Vườn cây có độ đồng đều không cao, chín không tập trung, có một tỷ lệ cây cho năng suất thấp nhất định, nhân nhỏ hoặc bị bệnh gỉ sắt nặng.
Phương pháp nhân giống vô tính (sản xuất cây giống ghép)
– Ưu điểm: cây con giữ nguyên đặc điểm tốt của cây mẹ, cây sinh trưởng và phát triển đồng đều, vườn cây có năng suất cao, chín đồng đều; chất lượng cà phê nhân tốt.
– Nhược điểm: đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí sản xuất cây giống cao, cần phải xây dựng vườn cung cấp chồi ghép.
Cuối cùng, cám ơn bà con đã theo dõi bài viết, xin kính chúc quý bà con sức khoẻ, vụ mùa bội thu!