Chăm Sóc Cây Công Nghiệp

KỸ THUẬT LÀM VƯỜN ƯƠM CHO CÀ PHÊ CHÈ

Vườn ươm cà phê

Vị trí và thiết kế vườn ươm

Các yêu cầu chính khi chọn vị trí vườn ươm

– Thuận tiện cho việc quản lý chăm sóc như gần nguồn nước, không bị ô nhiễm các chất độc hại cho cây, thuận tiện đường vận chuyển, đất dễ thoát nước, độ dốc không quá 30, tương đối kín gió, nhất là hướng gió chính.

– Không nằm trên vùng chăn thả gia súc, gia cầm.

– Đối với nền đất mới, nếu đất mặt thích hợp để sử dụng trực tiếp ươm cây thì cần dọn sạch cỏ rác, đánh gốc rễ cây còn sót. Dùng máy phay hoặc cuốc làm cho tầng đất mặt (khoảng 10 -15cm) tơi xốp. Tất cả các rác thải thực vật, đá sỏi… phải được dọn sạch. Phơi nắng và xịt thuốc mối toàn bộ khu vực vườn ươm và xung quanh vườn.

Lên luống

Nếu đất tại chỗ không đổ bầu được thì chọn vùng đất tốt, lấy lớp đất mặt 10 cm chở về địa điểm làm vườn ươm. Nếu đất tại chỗ dùng đóng bầu được thì cuốc và đập mịn lớp đất mặt 10 cm, lên luống sẵn sàng để trộn phân đóng bầu.

Tiến hành dựng hệ thống giàn che mát theo quy cách như sau:

– Giàn cao khoảng 2m, khoảng cách giữa hai hàng cột 4m và giữa các cột trên hàng 3-6m tùy độ to, dài và sức bền của trụ, cây gác trên giàn (có thể dùng dây thép). Hàng cột không nằm trên lối đi giữa hai luống. Vật liệu làm trụ giàn thì tùy địa phương và tùy yêu cầu về mức độ kiên cố cũng như thời hạn sử dụng.

123356733 411044100284446 4018446123489702102 n

– Luống đặt bầu rộng 0,8 – 1,0m, dài tùy vào vườn ươm. Lối đi giữa hai luống rộng 40 – 50cm. Lối đi giữa và xung quanh vườn ươm rộng 0,8 –1,0m để tiện đi lại kiểm tra.

– Các vật liệu như lá dừa khô, lau lách hay lưới ni-lông che bóng 50% đều có thể dùng mái lợp che bóng cho vườn ươm. Nếu có điều kiện, giữa các luống trong vườn cần che phủ bằng ni-lông hoặc vật liệu che phủ khác nhằm hạn chế cỏ dại.

– Xung quanh vườn ươm, cần có các mương thoát nước vào mùa mưa và chống cháy vào mùa khô.

– Các vườn ươm lớn, sử dụng lâu dài nên chọn vị trí thích hợp để xây bể chứa nước ngâm các loại phân tưới thúc (mỗi hecta cần 2 đến 4 bể, mỗi bể từ 5 đến 6 m3); đồng thời thiết kế hợp lý hệ thống mương, ống dẫn nước vào bể, hệ thống tưới phun mưa nếu có.

Bầu ươm

– Tiêu chuẩn bầu ươm: bầu đất có kích thước 10 – 12cm x 18 – 20cm.

– Trước khi sử dụng bầu nhựa kín đáy nhất thiết phải đục 6-8 lỗ thoát nước đường kính 4-5 mm ở nửa gần đáy bầu, và cắt hai góc ở đáy bầu.

– Sinh trưởng của cây con trong suốt giai đoạn vườn ươm phụ thuộc rất nhiều vào hỗn hợp chất nền cho vào bầu có thành phần chính là đất, phân hữu cơ hoai mục và phân lân,

– Hỗn hợp đất phải sẵn sàng và đảo trộn kỹ ít nhất 1 tháng trước khi đóng bầu và cấy cây.

– Hỗn hợp đất trồng gồm 60% đất mặt, 40% phân chuồng hoai, 10kg vôi + 5-6kg phân lân trên 1m3, – Độ ẩm đất khi đóng bầu khoảng 30 – 35% tức là không quá khô và không được ướt, cảm giác khi thọc tay vào đống đất rất mát, mịn, không có đất cục.

123168780 346144263340517 6222501362443585317 n

– Việc vào bầu đất khá đơn giản nhưng cũng cần chú ý các yêu cầu sau:

+ Độ chặt vừa phải, bầu cân đối, thẳng đứng, lưng bầu không gãy khúc.

+ Thông thường mùa ươm cây chủ yếu vào mùa khô. Để chống mất nước nhanh và giữ luống bầu ngay ngắn nên xếp bầu trong các luống ăn sâu 1/4 -1/3 chiều cao của bầu trong đất.

+ Yêu cầu chính khi xếp bầu vào luống là phải đặt bầu có tư thế thật thẳng đứng, khít nhau, ngay ngắn theo hàng ngang, dọc vừa đạt yêu cầu thẩm mỹ vừa để dễ kiểm kê, quản lý và chăm sóc.

+ Trên mặt bầu sau khi cấy cây xong phủ 1 lớp xác bã thực vật, mùn cưa hoặc trấu dày 0.5 đến 1 cm để hạn chế bốc thoát hơi nước, giữ ẩm mặt bầu, và không bị đóng váng sau khi tưới.

Chọn, hái và bảo quản hạt giống

– Chọn cây mẹ là những cây sinh trưởng khỏe, không sâu bệnh, năng suất cao tại các vườn đầu dòng từ 4 đến 6 năm tuổi.

– Sau khi kết thúc hái lần 1 khoảng 10 đến 15% sản lượng, lứa tiếp theo, sẽ thu hái để làm giống.

– Chỉ chọn các quả chín đỏ tươi, to và nằm trên các cành có đủ bộ lá.

– Hái xong mang về chà vỏ thịt bằng tay hoặc đạp bằng chân để tránh xây xát, bỏ vào nước để loại bỏ vỏ thịt và các hạt lép nổi trên mặt nước.

– Bỏ vào bao, buộc chặt để ủ 1 đêm khoảng 12 đến 14 tiếng sau đó rửa sạch nhớt.

– Phơi hạt thóc trên liếp dưới nắng nhẹ vài tiếng sau đó chuyển vào dưới bóng dâm, cào đảo thường xuyên trong khoảng 2 đến 3 ngày.

– Khi bên ngoài vỏ đã khô và nhân bên trong chuẩn bị có độ hở với vỏ thóc thì ngưng phơi.

– Nếu đúng thời vụ rấm hạt để ươm thì tiến hành, nếu chưa thì mang đi bảo quản trong thời gian vài tháng.

Giấm và ươm hạt

123219375 356027212325592 7905220038564118301 n

– Ngâm hạt trong dung dịch nước 60 độ, có hòa 10% nước vôi trong (hai sôi ba lạnh) trong 2 – 3 tiếng.

– Vớt ra bỏ trong bao vải treo lên, khi thấy khô tưới nước ấm để giữ ẩm cho hạt.

– Cứ 24 tiếng 1 lần mở bao chọn các hạt đã nhú hạt tấm ra để ươm xong tiếp tục ủ, cứ như vậy trong thời gian 3 đến 4 ngày là ươm được 80 đến 90% số hạt đã nhú mầm, số còn lại bỏ.

– Luống đất để ươm bao gồm đất, cát, mùn cưa trộn lại thật tơi xốp.

– Đặt hạt sao cho mầm hướng về phía dưới sau đó phủ 1 lớp mỏng hỗn hợp như trên luống dày 1 cm, thường xuyên tưới nước giữ ẩm.

– Sau 2 đến 3 tuần cây con sẽ đội dù và bung lá sò, đây là lúc chúng ta nhổ cấy vào bầu.

– Một kg hạt có thể ươm được 2200 đến 2500 cây con.

Cấy vào bầu

– Trước khi cấy cây các luống bầu đều phải được tưới nước vừa phải để đất đủ ẩm từ chiều hôm trước.

– Nhổ các cây con tại luống ươm hạt, chọn các cây có 1 rễ mọc khỏe, dùng móng tay bấm dót rễ phần quá nhỏ như sợi tóc để khi cấy vào bầu không bị cong.

– Dùng que nhỏ thọc 1 lỗ ngay giữa bầu, bỏ cây con vào lỗ cho ngập hết cổ rễ xong ém đất lại, giữ cho cây con thẳng đứng.

– Khi ém đất, lưu ý ém từ dưới lên trên để tránh bị rỗng đất, rễ không tiếp xúc được, cấy xong mét nào tưới mét đó.

 

123203422 353953052600060 3280530498581158050 n

123367610 1344952542536882 559043301829022805 n

 

Chăm sóc cây con trong vườn ươm

– Thường xuyên tưới nước giữ ẩm, tưới ít nhưng nhiều lần vào mùa khô.

– Nhổ sạch cỏ, phá váng thường xuyên nếu có.

– Kiểm tra bầu đất để điều chỉnh lượng nước và số lần tưới, không để quá ẩm ướt hoặc quá khô.

– Nếu thấy mức độ phát triển của cây con không được tốt cần bổ sung phân Urê với nồng độ 0,1 kg pha với 30 lít nước khuấy đều tưới cho 1 luống có độ dài 15 mét, rộng từ 0,8 mét đến 1 mét, tưới xong phải tưới lại bằng nước sạch, 12 đến 15 ngày tưới 1 lần.

– Kiểm tra thường xuyên nếu thấy sâu hoặc ốc sên ăn lá nếu ít thì bắt giết, nếu nhiều thì phun các loại thuốc sâu có bán trên thị trường theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Phun các hợp chất có gốc đồng (boocdo) để phòng một số loại nấm gây bệnh phát triển khi cây con có 2 đến 3 cặp lá 2 lần cách nhau 12 đến 15 ngày vào những lúc trời mát.

– Khi phát hiện có một số cây bị héo rũ thì phải cách ly ra khỏi vườn ngay và phun các loại thuốc trị bệnh có bán trên thị trường theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Khi cây có 4 cặp lá cần kiểm tra và chọn các cây chậm phát triển, chỉ mới có 2 hoặc 3 cặp lá thì lấy ra xếp riêng để có chế độ chăm sóc đặc biệt để đảm bảo tỷ lệ xuất vườn cao.

– Dừng tưới phân và dỡ dàn che tập cho cây cứng trước khi xuất vườn 1 tháng.

Tiêu chuẩn giống xuất vườn

– Cây con mọc khỏe, không sâu bệnh, không cụt đọt, có từ 5 đến 6 cặp lá và chưa phân cành, cao 20 đến 25 cm, đường kính thân 2 đến 3 mm.

– Có bộ rễ phát triển tốt trong bầu, rễ cọc chưa xuyên qua bầu.

Trích nguồn tài liệu: “Bộ bài giảng và công cụ bài giảng về sản xuất cà phê bền vững”

Cuối cùng, cám ơn bà con đã theo dõi bài viết, xin kính chúc quý bà con sức khoẻ, vụ mùa bội thu!

Rate this post
author-avatar

About Mạnh Quân

Hoà cùng xu hướng phát triển tương lai, với khát vọng ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành nông nghiệp, công ty đã được thành lập để tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp an toàn và hiệu quả, vì một nền nông nghiệp sạch và bền vững. “NUÔI CÂY LÀ NUÔI ĐẤT” – BioSacotec đang làm điều đó hằng ngày, để giúp cây trồng phát triển khoẻ mạnh và bền vững. Đó là nhiệm vụ cũng như sứ mệnh của chúng tôi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *