Thời vụ trồng
– Thời vụ trồng bơ bất đầu từ đầu mùa mưa và kết thúc trước mùa khô 3 tháng. Lưu ý những cơn mưa đầu mùa thường cách xa nhau từ 7-15 ngày, do đó tốt nhất nên chờ đến khi mưa tương đối ổn định mới trồng cây. Nếu trồng sau 15 tháng 8 thì cần phải tưới nước nhiều vào mùa khô.
– Với những vườn có hệ thống tưới tiết kiệm hoặc có điều kiên tưới có thể trồng bơ quanh năm.
Lưu ý: Nên trồng cây lúc đất còn ấm, khi mưa nhiều đất sẽ bị lạnh cây con phát triển rất kém. Không trồng bơ trong những ngày mưa dầm kéo dài vì nó sẽ làm cho đất bị dí chặt và rất dễ bị thối rễ.
Mật độ và khoảng cách trồng
Với quan điểm cà phê là cây trồng chính,cho dù trồng xen bất cứ cây gì thì năng suất cà phê vẫn không thay đổi hoặc nếu có thay đổi thì với một tỷ lệ rất thấp (+- 10%), cho nên lựa chọn mật độ phù hợp rất quan trọng.
– Hiện nay đa số các vườn cà phê trồng xen bơ với mật độ 123 cây/ha, khoảng cách là 9x9m nhưng sau 8-10 năm bơ lớn sẽ phủ tán và làm cho vườn cà phê bị rợp và giảm năng xuất đáng kể. Để không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cà phê và cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu lúc này rất cần thiết, mật độ phù hợp khi trồng xen bơ từ 69 cây/ha (12x12m) đến 92 cây/ha (9x12m) để tăng thu nhập và năng suất cà phê không bị ảnh hưởng nhiều.
– Trong trường hợp vườn cà phê đã có trồng xen tiêu và cây ăn trái khác thì mật độ cây bơ giảm xuống để làm sao khi cây lớn các loại cây này không bị cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng với cà phê.
– Trường hợp trên cùng một hecta nhưng muốn trồng xen nhiều loại cây khác nhau thì nên tách riêng từng ô để tính toán mật độ phù hợp, tránh tranh chấp ánh sáng và dinh dưỡng làm ảnh hưởng năng suất cây trồng chính.
Chuẩn bị hố trồng
– Bơ trồng xem được trồng giữa các ngã 4 của hàng cà phê, hố được đào phơi ải trước khi trồng ít nhất 1 tháng. Kích thước hố 60x60x60cm hoặc 80x80x80cm, lớp đất mặt để riêng.
– Khi trộn hỗn hợp, lấy phần đất mặt trộn với 0.5kg vôi; 0.5kg phân lân nung chảy; 10-15kg phân hữu cơ hoai mục là tốt nhất, nếu không có thì có thể dùng 2-3 kg phân vi sinh, trộn hỗn hợp thật đều sau đó lấp bằng mặt đất tự nhiên, sau vài cơn mưa mới tiến hành trồng cây.
– Để tránh mối và sùng đất, khi đão phân lấp hố nên sử dụng thuốc có bán trên thị trường nằm trong danh mục cho phép sử dụng và xử lý theo đúng hướng dẫn của các nhà sản xuất đã ghi trên bao bì.
Cách trồng
– Dùng dao sắc cắt ngang dưới đáy bầu khoảng 1cm để phá rễ cọc bị cong, sau đó rạch nhẹ bên hông bầu nilong, đặt tay dưới đáy bầu đưa nguyên bầu đất đã rạch vào hố, xé bao nilong nhẹ nhàng không để bể bầu đất, lấp đất xuống ½ bầu đất và dùng tay nén chặt đất xung sau đó tiếp tục lấp đầy và nén đất lại. Khi lấp đất nên vun đất tại gốc cây cao hơn một chút nhằm hạn chế đọng nước tại gốc khi mưa lớn kéo dài.
– Dùng 1 cây dài cắm cách gốc 25cm, nghiên 45o ngược với hướng gió và cột dây mềm phía trên vết ghép để cố định cây tránh đổ gãy do mưa gió.
– Những vùng khô hạn hoặc rút nước nhanh cần áp dụng kỹ thuật trồng âm 7-10cm so với mặt đất để tạo bồn chứa nước trong mùa khô.
Lưu ý:
– Bơ rất dễ bị mối và sùng đất ăn nên sau khi trồng cần tưới 1 lít nước thuốc theo hướng dẫn trên bao bì vào gốc cây.
– Bơ rất dễ bị nhiễm bệnh ở cổ rễ và rễ tơ, chính vì vậy không nên trồng bơ quá sâu.
Trồng dặm
– Bơ con rất dễ bị chết do nhiễm bệnh rễ, mối và sùng đất nên cần giữ lại 5-10% số cây giống để trồng dặm ngay trong mùa mưa.
Tủ gốc
Tủ gốc cho bơ con vào mùa khô là rất cần thiết để giữ ẩm độ ổn định, duy trì sự hoạt động hữu hiệu của tầng rễ ngang sát mặt đất, giảm số lần tưới và hạn chế cỏ dại. Vật liệu tủ gốc có thể là tàn dư thực vật hoặc màng phủ nông nghiệp. Với vật liệu tủ gốc bằng tàn dư thực vật nên tủ xung quanh cách gốc cây từ 10 – 15 cm, tủ càng dày càng tốt.
Tưới nước
– Giai đoạn trồng mới, mưa nắng rất thất thường nên sau khi trồng 2 – 3 ngày nếu trời không mưa cần tưới ngay cho cây con mới trồng. Khi cây còn nhỏ cần tránh vòi nước phun thẳng vào cây vì có thể gây đỗ ngã. Sau 1 năm nên kết hợp bón phân trước khi tưới thì hiệu quả của phân bón sẽ rất cao.
– Mùa khô năm đầu tiên việc cung cấp nước cho bơ còn non là rất cần thiết, nếu thiếu nước rễ tơ sẽ bị hư hại và rất dễ nhiễm bệnh qua rễ nên cần phải tưới cho bơ con sớm hơn tưới cà phê.
– Số lần và lượng nước tưới tùy thuộc vào từng loại đất, thảm phủ và thời tiết từng năm. Những vùng đất sỏi và rút nước nhanh thì khoảng 10-12 ngày tưới 1 lần, đất giữ ẩm tốt thì khoảng 15-20 ngày tưới 1 lần. Lượng nước tưới từ 30-50 lít/hố/lần cho cây năm đầu tiên, cần tưới tối thiểu 5 lần/năm. Từ năm thứ 2 khi cây đã phát triển tốt, số lần tưới giảm đi nhưng lượng nước tưới cần tăng thêm. Vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô tiến hành cào đất xung quanh để làm bồn chứa nước cho cây, bồn chứa nước cao hơn mặt đất từ 10 – 15 cm.
– Vào giai đoạn kinh doanh tưới nước cho bơ sẽ được áp dụng theo chu kỳ tưới cho cà phê vì nếu tưới riêng cho bơ sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mần hoa của cà phê cũng như ảnh hưởng đến năng suất của cà phê.
– Phương pháp tưới chủ yếu là tưới dí nhưng khi có điều kiện nên thiết lập hệ thống tưới phun mưa cục bộ hoặc tưới tiết kiệm để kết hợp bón phân cho cây.
Tiêu nước
Những vùng đất bằng phẳng thoát nước kém, đất có lượng sét cao khi mưa dầm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và gây thiệt hại cho cây.
Nguyên nhân là do:
– Hiện tượng đất bị đóng váng bề mặt do nước mưa xói mòn, hoà tan các hạt sét nhỏ và phủ kín các khoảng trống trên mặt đất làm đất không còn thoáng khí.
– Đất bị ngập nước, nên không còn đủ oxy cung cấp cho rễ hô hấp (chỉ sau 24 – 48 giờ), đất trở nên dư thừa nước và rễ rất dễ bị huỷ hoại.
Các nguyên nhân này làm đất bị thiếu oxy, đồng thời bị ngộ độc CO2 cùng các độc chất khác, rễ bị “nghẹt” và sau đó bị thối. Hậu quả này làm các loài nấm bệnh trong đất (chủ yếu là Fusarium và Phytophtthora) rất dễ tấn công gây hại cho cây bơ trong và sau mùa mưa dầm. Hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị “stress”, tổng hợp khí độc (ethylene) bên trong gây ngộ độc, làm lá bị vàng và rụng, đặc biệt sau khi nước rút. Chính vì những nguyên nhân trên ta cần phải tiêu nước để vườn cây phát triển tốt và năng suất cao.
Hạn chế và khắc phục vườn cây bị ngập úng:
– Bồn chứa nước được xả bằng để gốc cây không bị đọng nước.
– Xung quanh và trong vườn phải có hệ thống mương thoát nước.
– Phá váng để nước không đọng lại và giúp thoáng khí khi mưa dầm kéo dài.
– Nếu cây bị úng nước và nhiễm bệnh không dùng các loại phân để bón cho cây mà nên trị bệnh trước bằng các loại thuốc chuyên dùng tưới xuống đất và phun lên lá.
Làm cỏ, cắt chồi vượt
– Giai đoạn kiến thiết cơ bản cần thường xuyên làm sạch cỏ trong gốc bằng cách nhổ bằng tay không nên dùng cuốc tránh làm tổn thương đến rễ và thân cây.
– Chồi vượt mọc phía dưới vết ghép phải được tỉa bỏ thường xuyên, nên dùng dao sắc hoặc kéo để cắt chồi vượt để không gây ra vết xước tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập và gây hại.
Cuối cùng, cám ơn bà con đã theo dõi bài viết, xin kính chúc quý bà con sức khoẻ, vụ mùa bội thu!