Kỹ thuật trồng cà phê
– Dùng cuốc móc một hố nhỏ ở giữa hố trồng đã được chuẩn bị với độ sâu khoảng 20 đến 25 cm, rộng 20 – 25 cm.
– Dùng dao cắt một lát đất cách đáy túi bầu 1-1,5 cm để loại bỏ phần rễ cọc bị cong ở đáy bầu, xé túi bầu và nhẹ nhàng bóc tách ra khỏi bầu đất, ngắt bỏ các rễ ngang mọc vòng quanh bầu đất. Chú ý thao tác cẩn thận để không làm vỡ bầu đất.
– Đặt bầu cây vào hố, điều chỉnh cây theo chiều thẳng đứng và mặt bầu ngang bằng mặt đất. Lấp đất từ từ, vừa lấp vừa dùng tay nén chặt đất quanh thành bầu, sau đó dùng chân dẫm nhẹ xung quanh cách thân cây cà phê con 10 – 15 cm mỗi bên cho chặt. Mỗi hố chỉ trồng một cây. Chú ý là đáy bầu không được đặt sâu tận đáy hố, phải tính toán có ít nhất 20 đến 25 cm đất có đảo phân hữu cơ trước đây ở giữa đáy bầu và đáy hố để tạo môi trường tốt cho rễ cọc phát triển theo chiều thẳng đứng và ăn sâu vào lòng đất trong tương lai.
– Nếu trồng trên đất dốc > 15 độ, phải trồng âm, đỉnh cây cà phê con ngang với mặt đất của vườn, trong quá trình canh tác, chúng ta từ từ hạ thành cấp bậc thang để chống rửa trôi đất.
– Sau khi trồng xong, nếu đất khô nên tưới một ít nước vào gốc xong tủ rác lại
– Phòng trừ mối: đối với vườn có nhiều mối gây hại, có thể rải 3-5 g thuốc trừ mối vào hố trước khi trồng; hoặc ngay khi trồng xong sử dụng thuốc trừ sâu có hoạt chất Imidacloprid hoặc Chlorpyrifos phun lên mặt hố và thân cây, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
– Phòng trừ dế cắn: Không nên quá sạch cỏ sau khi trồng xong.
Trồng đai rừng chắn gió
-Trường hợp chưa có cây đai rừng, cần phải thiết kế và trồng trước một hay hai năm là tốt nhất, nếu không thì phải trồng cùng lúc nhưng phải có phân để cây mau lớn.
– Đai rừng chính gồm 2 đến 4 hàng muồng đen, hoặc keo các loại hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 2 m, trồng kiểu nanh sấu. Tùy theo địa hình và tốc độ gió của từng vùng, khoảng cách giữa 2 đai rừng chính từ 100 – 200 m. Đai rừng chính được bố trí thẳng góc với hướng gió chính hoặc có thể xiên một góc 60 độ.
– Đai rừng phụ: Gồm 1 đến 2 hàng muồng đen hoặc keo các loại trồng thẳng góc với đai rừng chính, cây cách cây 2 – 3 m, hàng cách hàng 2 mét, băng này cách băng kia 30 đến 50 mét. Đai rừng phụ ngoài chức năng chắn gió còn che bóng lâu dài cho cà phê và dùng làm choái sống cho tiêu leo.
– Nếu địa hình và diện tích quy mô quá nhỏ không thiết kế trồng được đai rừng như đã nêu thì ít nhất cũng phải trồng cây che bóng với phương châm nhà nhà cùng trồng, người người cùng trồng thì cả khu vực sản xuất sẽ trở thành một quần thể rừng bảo vệ được cà phê và có cảnh quan môi trường tốt. Tuyệt đối không được trồng trần trụi chỉ một mình cà phê, nên kết hợp trồng các loại cây có sản phẩm để tăng thu nhập.
Trồng xen cây ngắn ngày và cây che bóng
– Vườn cà phê chè trong 1 – 2 năm đầu khi tán cây cà phê còn hẹp, nên trồng xen các loại cây ngắn ngày để hạn chế cỏ dại và có thêm nguồn thu nhập.
– Các loại cây trồng xen như: Cây phân xanh, ngô, đậu đỗ lấy hạt, lạc, khoai môn… gieo/ trồng vào đầu hoặc giữa mùa mưa, gieo trồng cách gốc cà phê tối thiểu 50 cm và được chăm sóc, bón phân theo yêu cầu của mỗi loại cây ở từng thời kỳ. Sau khi thu hoạch củ, hạt xong thì tủ thân lá vào gốc cà phê hoặc đào rãnh vùi vào đất.
– Trồng xen có tác dụng che gió cho cây con, hạ nhiệt độ về mùa khô, chống xói mòn, tăng độ phì cho đất và hạn chế sâu tiện vỏ.
– Trồng cây che bóng kết hợp với các loại cây ăn quả, hoặc tiêu leo trên choái sống. Tùy độ lớn nhỏ của tán cây chúng ta có thể trồng với mật độ 60 đến 80 cây/ha đối với cây ăn quả và từ 180 đến 250 cây/ha đối với tiêu leo trên choái sống.
Trích nguồn tài liệu: “Bộ bài giảng và công cụ bài giảng về sản xuất cà phê bền vững”
Cuối cùng, cám ơn bà con đã theo dõi bài viết, xin kính chúc quý bà con sức khoẻ, vụ mùa bội thu!