Chăm Sóc Cây Công Nghiệp, Chăm Sóc Cây Trồng

KỸ THUẬT TRỒNG TIÊU MANG LẠI NĂNG SUẤT CAO

Kỹ thuật trồng tiêu

 Loại trụ, khoảng cách và mật độ trồng

trong tieu huu co o lam dong

Trụ sống

Yêu cầu trụ sống

– Cao ít nhất 2 m và đường kính tối thiểu 3 cm.

– Sinh trưởng nhanh, khoẻ, thân cứng, vỏ tương đối nhám để tiêu dễ bám.

– Bộ rễ ăn sâu để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu.

– Ít lá hoặc tán thưa để không che ánh sáng của cây tiêu, có khả năng chịu xén tỉa nhiều lần mà không chết.

– Ít sâu bệnh hoặc không phải là cây ký chủ của sâu bệnh hại tiêu.

Thông thường chọn cây họ đậu hoặc một số cây có thể trồng bằng cành để kịp cho tiêu leo bám. Với các loại trụ sống trồng bằng cây con, nên trồng cây trụ sống trước khi trồng tiêu một năm, hoặc trồng trụ tạm cho tiêu bám khi cây trụ sống còn nhỏ.

Một số loại trụ sống được trồng làm trụ tiêu

Đông Nam bộ: keo dậu (Leucaena leucocephala), lồng mức (Wrightia annamensis), muồng đen (Cassia siamea), gòn (Ceiba pentandra), giả anh đào hoặc còn gọi là đỗ quyên (Glyricidia sepium), muồng cườm (Adenanthera povonina) với khoảng cách 2,5 x 2,5 m hoặc 3,0 x 2,5 m, mật độ 1.300 – 1.600 trụ/ha. Ngoài ra cây tiêu còn tận dụng cho leo lên một số loài khác như điều, xoài, mít nhưng ít phổ biến.

trong tieu2

Duyên hải miền Trung: lồng mức, keo dậu, mít, trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5 m hoặc 3,0 x 2,5 m. Ngoài ra các cây như cau, núc nác (Oroxylum indicum), muồng đen cũng có thể dùng làm trụ cho cây tiêu song ít phổ biến.

Tây Nguyên: keo dậu, đỗ quyên, muồng đen, lồng mức, trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5 m hoặc 3,0 x 3,0 m, mật độ 1.100 – 1.600 trụ/ha.

Trụ bê-tông

– Chiều rộng phần gốc 20 – 22 cm, chiều rộng phần ngọn 17 – 19 cm.

– Chiều cao 4,0 – 4,5 m, chôn sâu 0,6 – 0,8 m.

– Trụ có ba cốt sắt dọc Φ = 10 – 12 cm và vành sắt đai để chống đỗ gãy.

– Khoảng cách: 2,2 – 2,5 m x 2,0 – 2,5 m; mật độ 1.600 – 2.200 trụ/ha.

Vùng Duyên hải miền Trung không nên dùng trụ bê-tông do khí hậu nắng nóng và mưa nhiều, địa hình hẹp và dốc, lượng mưa lớn dễ gây xói mòn. Nên trồng xen kẻ trụ bê-tông và cây trụ sống, một hàng trụ sống xen với một hoặc hai hàng trụ bê-tông.

Cần làm giàn che cho tiêu trồng mới, có thể dùng lưới che công nghiệp, lá dừa, phên tre hoặc các vật liệu che chắn nhẹ.

Kỹ thuật trồng tiêu

Thời vụ trồng tiêu

Thời vụ trồng tuỳ thuộc vào điều kiện khí hậu của từng khu vực, thường trồng vào đầu mùa mưa, khi đã mưa đều và kết thúc trước mùa khô khoảng 2 – 2,5 tháng (Bảng 1).

Bảng 1. Thời vụ trồng tiêu ở một số vùng trồng tiêu chính

Thời vụ

Vùng

Tháng

Đông Nam Bộ

6 – 8

Duyên hải miền Trung

9 – 10

Tây Nguyên

5 – 8

Chọn đất trồng tiêu, làm đất, đào hố và thiết kế lô trồng

Đất cần được cày bừa kỹ và xử lý mầm bệnh trước khi trồng, trên đất chua cần bón vôi trước khi bừa lần cuối, lượng vôi bón khoảng 1,5 – 2,0 tấn/ha.

Kích thước hố thường 30 x 40 x 40 cm cho hom đơn hoặc 40 x 40 x 40 cm cho hom đôi, mỗi hố bón 7 – 10 kg phân chuồng hoai + 200 – 300 g phân super lân, trộn đều với lớp đất mặt cho vào hố khoảng 20 cm. Nên tiến hành đào hố và trộn phân lấp hố trước khi trồng ít nhất nửa tháng. Rải Ethoprophos hoặc tưới dung dịch Bordeaux 1% trong và quanh hố trước khi trồng 3 – 5 ngày để phòng ngừa dịch hại. Vườn tiêu trên vùng đất có độ dốc nên đào hố theo đường đồng mức và bố trí hố theo hình nanh sấu.

ky thuat trong ho tieu

Thiết kế hệ thống tiêu nước và trồng trụ tiêu cùng lúc, khoảng 10 – 15 m đào một rãnh thoát nước vuông góc với hướng dốc chính, rãnh sâu 15 – 20 cm, rộng 20 cm, giữa hai hàng trụ tiêu. Dọc theo hướng dốc chính, khoảng 30 – 40 m thiết kế một mương sâu 30 – 40 cm, rộng 40 cm, giữa hai hàng trụ tiêu, mương thẳng góc với rãnh thoát nước.

Khi trồng mới trên vườn tiêu cũ, cần cày bừa, dọn sạch rễ cây và tàn dư thực vật trong đất, sau đó luân canh với cây họ đậu hoặc các cây ngắn ngày khác ít nhất 1 – 2 năm trước khi trồng mới.

Đặt hom, trồng dặm và buộc dây

Khi đặt hom tiêu vào hố cần chú ý:

– Xé bỏ bầu PE, tránh làm vỡ bầu, đặt vào hố trồng, sau đó lấp đất và nén chặt gốc;

– Hom đặt nghiêng 30 – 45o hướng về phía trụ tiêu, nên đặt hom (bầu) vào hướng Đông; và

– Số hom (hoặc bầu) trên một trụ: 2 hom/trụ cho trụ sống, trụ gỗ hoặc trụ bê tông.

Sau khi trồng 7 – 10 ngày nên kiểm tra vườn, khi phát hiện có cây chết cần tiến hành trồng dặm. Sau đó thường xuyên kiểm tra vườn, nếu thấy cây chết phải trồng dặm ngay, các cây trồng dặm cần được chăm sóc tốt.

trong%20tieu

Sau khi dây tiêu đã phát triển vươn tới trụ nên dùng các loại dây mềm (dây nylon) để buộc dây tiêu vào cây trụ, buộc vào vị trí ở gần đốt của dây tiêu để rễ dễ bám vào trụ, sau khi rễ đã bám chặt vào trụ cần cắt bỏ dây buộc.

Đôn tiêu   

Tiêu trồng bằng dây lươn cây sẽ cho nhiều dây thân, cắt bỏ các dây yếu, chỉ để lại 3 – 4 dây khoẻ trên một gốc dây lươn. Sau 12 – 15 tháng, các dây tiêu đạt 1,5 – 2m, bắt đầu cho cành mang quả, khi phần lớn các dây trên trụ cho cành mang quả cần tiến hành đôn tiêu.

Xới đất quanh trụ tiêu thành rãnh sâu 7 – 10 cm, cách trụ 15 – 20 cm, chọn 3 – 4 dây tiêu khoẻ, cắt hết lá dưới cành mang quả đầu tiên 30 – 40 cm, khoanh tròn trong rãnh sao cho cành mang quả thấp nhất cách mặt đất 30 – 40 cm, lấp một lớp đất mỏng 5 – 7 cm, tưới nước, khi thấy rễ nhú ra từ các đốt đôn dưới đất cần lấp thêm 3 – 5 cm đất trộn phân hữu cơ.

Nếu trồng bằng dây thân có thể thay biện pháp đôn tiêu bằng cách cắt các dây tiêu ba lần, lần thứ nhất vào tháng 5 – 6, lần thứ hai vào tháng 13 – 14 và lần thứ ba vào tháng 21 – 22 sau khi trồng để kích thích dây tiêu cho nhiều cành mang quả.

Tỉa cành, tạo tán cây trụ sống và cây tiêu trong thời kỳ kinh doanh

Khi cây trụ sống đã lớn và bắt đầu giao tán cần rong tỉa bớt cành lá để tiêu nhận đủ ánh sáng, cắt tỉa ít nhất 2 lần trong năm. Nên cắt tỉa trụ sống trước khi bón phân để có đủ ánh sáng cho cây tiêu hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng và tạo thông thoáng cho vườn nhằm hạn chế sâu bệnh.

vuon tieu phu quoc 1

Sau khi thu hoạch tiêu, cần tỉa bớt những cành tược vượt quá trụ tiêu, mọc ngoài khung thân chính và cành lươn mọc ra từ gốc tiêu, việc tỉa cành nên tiến hành trước mùa mưa giúp cây tiêu tạo nhiều mầm hoa trong vụ tiếp theo. Khi tiêu ra hoa và mang trái non, cần cắt bỏ cành lươn và cành treo.

Ở một số vườn tiêu có hiện tượng hoa trổ rải rác không đúng thời vụ nên cắt bỏ những hoa này để tập trung cho hoa ra hàng loạt và quả chín tập trung.

Trồng cây che phủ đất

Tùy điều kiện của từng vùng, nên trồng cây che phủ đất hoặc để cỏ giữa hai hàng trụ tiêu nhằm hạn chế nước chảy tràn trong mùa mưa, giảm phát tán nguồn dịch hại, giảm xói mòn đất, cải thiện lý-hóa tính và sinh học của đất. Các loại cây đậu phộng ma (Arachis pintoi), sài đất (Wedelia chinensis) và cỏ stylo (Stylosanthes guianensis) thích hợp cho việc trồng che phủ đất trong vườn tiêu.

Làm bồn, bón phân và tưới nước

Làm bồn

Vườn tiêu không có điều kiện tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa dưới tán cần làm bồn tạm để tưới nước trong mùa khô, khi làm bồn tránh gây tổn thương bộ rễ. Vào đầu mùa mưa, sau khi bón phân lần 1 cần san bằng bồn sao cho đất quanh gốc tiêu ngang bằng hoặc cao hơn vùng đất giữa các trụ tiêu để vườn tiêu thoát nước tốt trong mùa mưa.

150707484725010 2613 kt 2

Bón phân

Dựa trên yêu cầu của cây tiêu và độ phì nhiêu của đất, cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt.

Phân hữu cơ

Phân bón hữu cơ là yêu cầu cơ bản cho cây hồ tiêu. Tùy nguồn phân hữu cơ có sẵn tại địa phương, có thể sử dụng phân chuồng hoai (trâu, bò, ), phân rác mục, phân hữu cơ chế biến hoặc phân vi sinh (Bảng 2).

Bảng 2. Lượng phân hữu cơ bón cho hồ tiêu

Loại phân 

Năm

Phân chuồng, phân rác mục

(kg/trụ/năm)

Phân hữu cơ chế biến

(kg/trụ/năm)

Trồng mới

Năm thứ 2, 3

Từ năm thứ 4 trở đi

7- 10

10 – 15

15

1 – 2

2 – 3

3 – 5

Thời gian bón: phân chuồng hoặc phân rác mục mỗi năm bón một lần vào đầu mùa mưa, phân hữu cơ chế biến hoặc phân vi sinh bón hai lần vào đầu và giữa mùa mưa; đào rãnh một bên mép tán, sâu 10 – 15 cm, cho phân vào và lấp đất lại, nên chú ý trong quá trình đào rãnh không làm tổn thương bộ rễ.

Phân vô cơ

Trồng mới: sau khi trồng 1 – 1,5 tháng bón 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali, sau khi trồng 2 – 3 tháng bón số còn lại (Bảng 3).

Năm thứ 2 – 3: bón ba lần

– Lần 1: bón 1/3 đạm + 1/3 kali và tất cả lượng phân lân, bón vào đầu mùa mưa;

– Lần 2: bón 1/3 đạm + 1/3 kali, bón vào giữa mùa mưa; và

– Lần 3: bón lượng phân còn lại, bón vào cuối mùa mưa.

Từ năm thứ tư : bón bốn lần

– Lần 1: bón 30% đạm + 20% kali và tất cả lượng phân lân kết hợp với phân hữu cơ, bón sau khi kết thúc thu hoạch khoảng 15 – 20 ngày;

– Lần 2: bón 30% đạm + 30% kali, bón vào đầu mùa mưa;

– Lần 3: bón 25% đạm + 30% kali, bón vào giữa mùa mưa; và

– Lần 4: bón 15% đạm + 20% kali còn lại vào cuối mùa mưa.

Bảng 3. Lượng phân vô cơ bón cho hồ tiêu

                                              Loại phân

Năm

N

(g/trụ/năm)

P2O5

(g/trụ/năm)

K2O

(g/trụ/năm)

Trồng mới

Năm thứ 2, 3

Từ năm thứ tư

50 – 60

100 – 120

120 – 150

30 – 40

50 – 60

60 – 80

50 – 60

100 – 120

180 – 220

Cách bón: đào rãnh quanh mép tán, sâu 7 – 10cm, rải phân và lấp đất.

Nên dùng phân đơn tự trộn, hạn chế sử dụng phân hỗ hợp. Bổ sung phân trung lượng (Ca, Mg) và vi lượng cũng rất cần cho cây tiêu để hạn chế rụng hoa và quả non, các nguyên tố vi lượng cần bổ sung cho cây tiêu là kẽm (Zn) và bo (B), thường có trong các loại phân bón lá và phân hữu cơ chế biến có bán trên thị trường.

Tưới và tiêu nước

Vườn tiêu mới trồng và trong giai đoạn chưa cho trái, vào mùa khô phải tưới nước đủ ẩm và kết hợp với che chắn, không nên tỉa cành cây trụ sống trong mùa khô để tạo ẩm độ trong vườn và che bóng cho cây tiêu. Trong thời kỳ kinh doanh, sau vụ thu hoạch chỉ nên tưới nước vừa đủ để cây tiêu tồn tại, không nên tưới nhiều vì tưới nhiều cây tiêu sẽ tiếp tục sinh trưởng và ra hoa rải rác làm ảnh hưởng vụ thu hoạch kế tiếp.Quy trinh trong va canh tac cay ho tieu 1000x480 1

Trong điều kiện nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt, tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa dưới tán là biện pháp tưới phù hợp nhất cho cây hồ tiêu (Bảng 4), ưu điểm của tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa dưới tán là có thể kết hợp với bón phân N và K.

Bảng 4. Phương pháp tưới nước cho hồ tiêu

Phương pháp tưới

Lượng nước tưới

(lít/trụ/lần tưới)

Chu kỳ tưới

(ngày/lần)

Tưới nhỏ giọt

28 – 32

4

Tưới phun mưa dưới tán

35 – 40

5

Tưới bồn

100 – 120

7 – 10

Các nguồn nước sử dụng cho tiêu phải sạch, không ô nhiễm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất trong nông – công nghiệp.

Làm cỏ và tủ gốc

Làm cỏ bằng tay 2 – 3 lần vào đầu và giữa mùa mưa, làm sạch cỏ quanh gốc tiêu trong vòng bán kính khoảng 50 – 60 cm, không nên thường xuyên làm sạch cỏ giữa các trụ tiêu, dùng cỏ hoặc rơm rạ khô tủ quanh gốc tiêu vào đầu mùa khô để giữ ẩm.

Trồng xen cây trồng kinh tế khác

Để đảm bảo bền vững về kinh tế trong canh tác hồ tiêu, có thể trồng xen thêm các cây trồng kinh tế khác. Các loại cây trồng xen phải phù hợp với điều kiện của từng vùng và từng hộ nông dân.

Các loại cây trồng xen phù hợp cho cây tiêu gồm cà phê, cây ăn quả có tán thấp, cây rau (bồ ngót, quế).

Bà con nên sử dụng biện pháp sinh học hữu cơ sẽ giúp cây phát triển bền vững, giảm được các mối nguy hại về sức khoẻ con người, năng cao nâng suất, và điều quan trọng là giải pháp cho nông sản được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Canada, Nhật Bản…

Cuối cùng, cám ơn bà con đã theo dõi bài viết, xin kính chúc quý bà con sức khoẻ, vụ mùa bội thu!

Nguồn: Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam

Rate this post
author-avatar

About Mạnh Quân

Hoà cùng xu hướng phát triển tương lai, với khát vọng ứng dụng công nghệ sinh học vào ngành nông nghiệp, công ty đã được thành lập để tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp an toàn và hiệu quả, vì một nền nông nghiệp sạch và bền vững. “NUÔI CÂY LÀ NUÔI ĐẤT” – BioSacotec đang làm điều đó hằng ngày, để giúp cây trồng phát triển khoẻ mạnh và bền vững. Đó là nhiệm vụ cũng như sứ mệnh của chúng tôi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *