Ngày nay, nhiều nơi đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó cây ớt lại dễ trồng, tốn ít công lao động mà còn phù hợp với nhiều điều kiện tự nhiên của nhiều địa phương. Do đó trong bài này chúng tôi xin đưa ra một số sâu bệnh hại phổ biến trên cây ớt với mong muốn góp phần giúp bà con nông dân chủ động hơn trong công tác phòng trừ và có một vụ mùa bội thu.
Bệnh chết cây con
- Nguyên nhân là do nấm Rhizoctonia solani, Fusarium sp., Pythium sp., … Nấm tấn công cây con làm cây con héo rũ ngang gốc hay phần tiếp giáp giữa thân gốc với mặt đất làm cây con chết hàng loạt. Bệnh phát triển mạnh khi độ ẩm cao, bệnh thường gây hại cây con đang trong vườn ươm hoặc vừa mới trồng.
- Biện pháp phòng bệnh: Khu vực ươm cây phải thoát nước tốt, không quá ẩm ướt, tưới dung dịch EM phòng ngừa bệnh. Dọn sạch tàn dư sau khi thu hoạch vụ trước, không trồng ớt liên tục nhiều năm trên cùng một chân đất.
Bệnh héo xanh vi khuẩn
- Nguyên nhân bệnh là do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Triệu chứng thường gặp là cây héo nhưng lá vẫn còn xanh, trời mát hay qua đêm thì cây phục hồi, kéo dài vài ngày thì cây chết. Bệnh phát triển nhanh khi đất trồng ẩm ướt, thoát nước kém.
- Biện pháp phòng bệnh: Vệ sinh đồng ruộng kỹ trước khi trồng. Tưới tiêu nước hợp lý. Dùng giống sạch bệnh, xử lý hạt giống trước khi gieo. Tiêu hủy cây bệnh khi bệnh xuất hiện trên đồng ruộng.
Bệnh đốm lá
- Nguyên nhân bệnh là do nấm Cercospora capsici gây ra. Bệnh phát triển mạnh trong thời tiết nóng ẩm kéo dài. Triệu chứng bệnh thường gặp là lá có vết bệnh hình tròn, màu nâu, chính giữa vết bệnh có màu xám nhạt, xung quanh có viền màu xanh đậm. Bệnh nặng khiến lá khô vàng và rụng.
- Biện pháp phòng bệnh: Không trồng ớt liên tục nhiều năm trên cùng một chân đất. Vệ sinh đồng ruộng kỹ, dọn tàn dư vụ trước. Khi bệnh xuất hiện cần ngắt bỏ và tiêu hủy lá bệnh.
Bệnh thán thư
- Nguyên nhân bệnh do các loại nấm Colletotrichum gây ra. Triệu chứng bệnh thường là xuất hiện vết bệnh hình tròn, hơi lõm xuống, úng nước. Sau đó vết bệnh lan rộng ra, tâm vết bệnh có màu nâu, viền màu nâu nhạt, có nhiều vòng đồng tâm. Bệnh thường gấy hại trên trái, làm thối trái, cây cho năng suất kém và giảm giá trị thương phẩm. Bệnh phát triển mạnh ở điều kiện thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao.
- Biện pháp phòng bệnh: Chọn giống kháng bệnh. Vệ sinh đồng ruộng kỹ trước khi trồng, gieo trồng với mật độ hợp lý.