Nguyên nhân gây bệnh
Trên thế giới phát hiện ra 8 loài trong chi Colletotrichum gây nên bệnh than thư trên ớt nhưng có 2 loài gây hại chính và có ý nghĩa kinh tế Colletotrichum gloeosporioides (Penz.) Penz. And Sacc và Colletotrichum capsici (Syd.) Butler and Bisby gây ra. Hai loại nấm trên thường song song phá hại làm quả bị thối hỏng nhanh chóng. Đặc điểm hình thái, hình dáng đĩa cành, bào tử, giác bám của 2 loài là khác nhau.
Colletotrichum capsici (Syd.) Butler and Bisby:
Môi trường PGA tản nấm có màu xám đến xám sẫm, ở giữa tản nấm hơi phồng lên và xẹp dần về phía mép. Sợi nấm đâm nhánh, đa bào, màu nâu nhạt. Đĩa cành của nấm hình thành với số lượng lớn trên môi trường và xếp theo vòng tròn đồng tâm tạo thành những khoang màu đen rất rõ rệt. Đĩa cành có đường kính 70-100 micromet có lông gai màu nâu sẫm hình trụ mọc thẳng có 1 – 3 vách ngăn, phần gốc phồng và thon dần về phía đỉnh, đỉnh có màu hơi nhạt có nhiều ngăn ngang và dài tới 150 micromet, rộng 4,52 ± 0,52 micromet. Bào tử phân sinh không màu, đơn bào, hơi cong hình lưỡi liềm, kích thước 17 – 28 x 3 – 4 micromet có giọt dầu bên trong.
Colletotrichum gloeosporioides (Penz.) Penz. And Sacc:
- Tản nấm trên môi trường PGA có màu trắng đến trắng xám, tản nấm mịn. Sợi nấm đâm nhánh, đa bào, màu xám nhạt. Đĩa cành hình thành trên cả 2 mặt vết bệnh mọc qua biểu bì của kí chủ, hình cầu, kích thước 60,5 x109,9 micromet. Trên đĩa cành có long gai cứng màu nâu đậm, hình trụ mọc thẳng, có 1 – 2 vách ngăn, phần gốc phồng nhẹ, thon dần về phía đỉnh, kích thước 30-65 x 4 micronmet. Cành bào tử phân sinh hình trụ ngắn. Bào tử phân sinh hình trụ, 2 đầu tròn, không màu, kích thước 10,98 ±1,12 x 3,43±0,18 micromet có một giọt dầu ở giữa.
- Khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (Nhiệt độ 25 – 30ºC), bào tử nấm Colletotrichum capsici (Syd.) Butler and Bisby bắt đầu nảy mầm sau 4 giờ, nấm Colletotrichum gloeosporioides (Penz.) Penz. And Sacc thì sau 6 giờ. Sau 12 – 24 giờ ống mầm phát triển dài ra và hình thành giác bám, vòi hút. Giác bám hình ô van hoặc hình quả đấm màu nâu.
Sinh thái bệnh
- Nhiệt độ thích hợp cho nấm gây bệnh là 28 – 30ºC. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao. Bào tử phát tán nhờ gió và nhờ côn trùng. Bệnh gây thiệt hại lớn trong những năm mưa nhiều. Ở nước ta bệnh phát triển mạnh vào tháng 5 – 7 khi ớt đang thời kì thu hoạch. Bệnh còn gây hại vào giai đoạn sau thu hoạch trong quá trình bảo quản vầ vận chuyển. Ở những ruộng bón nhiều đạm, mật độ trồng cao rất dễ bị bệnh. Giống ớt Chìa Vôi Huế và Sừng Bò bị nhiễm bệnh nặng hơn các giống Chỉ Thiên và một số giống Thái Lan nhập nội.
- Nấm tồn tại trên hạt giống dưới dạng sợi nấm và bào tử phân sinh trên tàn dư cây trồng bị bệnh. Bào tử phân sinh có sức sống cao, trong điều kiện khô mặc dù tàn dư bị vùi trong đất vẫn có thể nảy mầm gây hại vào vụ sau.
Công ty Sacotec chúc bà con mùa vụ bội thu!!!