Xu thế
- Với xu thế thị trường hiện nay khách hàng rất quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm trong đó sử dụng hóa chất nông nghiệp thiếu kiểm soát, sử dụng thuốc cấm tại các nước tiêu thụ và không tôn trọng thời gian cách ly, thời gian an toàn là nguy cơ cao nhất dẫn đến rủi ro ngày càng mất khách hàng.
- Hiện tại hầu hết tại các nước sản xuất cà phê như chúng ta tham gia các chương trình chứng nhận, xác nhận sản xuất bền vững thì tất cả mọi người trồng cà phê đều phải áp dụng nguyên tắc Quản lý Dịch hại Tổng hợp.
- Với phương pháp này thì phòng là chính và hạn chế tối đa việc phun thuốc, như vậy sẻ giảm bớt chi phí cho người sản xuất, bảo vệ tốt sức khỏe và môi trường. Để làm được người trồng cà phê cần phải được nâng cao nhận thức, hiểu và nắm rõ tình hình sinh trưởng và phát triển các loại sâu bệnh, trên cơ sở thông tin thời tiết khí hậu, tình hình sinh trưởng của cà phê đồng thời kết hợp với kiến thức đã được tập huấn, kinh nghiệm của mình để nhận định và phân tích diễn biến tình hình sẻ tăng hay giảm trên cơ sở mật độ hiện có, lúc nào thì vượt ngưỡng cho phép cho phép để có biện pháp xử lý đúng và kịp thời.
Khái niệm IPM
- Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là một phương pháp kiểm soát dịch hại sử dụng rất nhiều biện pháp kỹ thuật phối hợp bao gồm: các biện pháp về cơ giới, các biện pháp về vật lý, giống, phòng trừ sinh học, kỹ thuật canh tác, biện pháp hóa học.
- IPM là một phương pháp tiếp cận sinh thái với một mục tiêu chính là giảm đáng kể hoặc loại bỏ việc sử dụng các thuốc trừ dịch hại, để quản lý các quần thể dịch hại ở mức độ chấp nhận được.
Các nguyên tắc cơ bản để quản lý dịch hại tổng hợp trên cây cà phê
– Chăm sóc để cây sinh trưởng và phát triển tốt bằng cách áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt (GAP): sử dụng giống tốt; tạo hình tỉa cành để cây thông thoáng; quản lý cây che bóng, chắn gió trên vườn; bón phân cân đối và hợp lý; tưới nước đầy đủ; tủ gốc vào mùa khô; quản lý cỏ dại; quản lý đất…
– Phát hiện kịp thời dịch hại trên đồng ruộng: Kiểm tra thường xuyên vườn cây, phân tích và xác định mức độ nhiễm dịch hại vào các giai đoạn thời tiết có nguy cơ ảnh hưởng đến sâu bệnh hại phát triển.
– Sử dụng thiên địch, vi sinh vật có ích như bọ rùa đỏ (Rodolia sp.), bọ mắt vàng, nhện…; duy trì môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các vi sinh vật có ích; sử dụng các loại thuốc sinh học.
– Loại trừ các đối tượng dịch hại bằng các biện pháp: cắt, nhổ bỏ, tiêu hủy các bộ phận hoặc cây bị sâu bệnh hại nặng; tiêu diệt bằng tay các loại sâu hại với mật độ thấp; vệ sinh đồng ruộng.
Trích nguồn tài liệu: “Bộ bài giảng và công cụ bài giảng về sản xuất cà phê bền vững”
Cuối cùng, cám ơn bà con đã theo dõi bài viết, xin kính chúc quý bà con sức khoẻ, vụ mùa bội thu!