Thanh long là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân, hiện nay được trồng rộng rãi ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên, cây thanh long bị các đối tượng gây bệnh hại tấn công ngày càng nhiều, gây ra nhiều bệnh dịch nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất, chất lượng thanh long. Một trong số những tác nhân gây hại là tuyến trùng hại rễ cây thanh long, là chủ mưu mở đường cho các nấm bệnh khác xâm nhập và gây hại. Hiện nay, có rất nhiều vườn thanh long bị tuyến trùng tấn công, gây thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau. Việc phòng trừ tuyến trùng gặp nhiều khó khăn, do đó, bà con cần nắm rõ về bệnh hại do tuyến trùng gây ra để có những biện pháp phòng trừ thích hợp.
ĐẶC ĐIỂM CỦA TUYẾN TRÙNG
Tuyến trùng là động vật không xương sống, thuộc ngành giun tròn, chỉ nhìn thấy hình thái dưới kính hiển vi. Tuyến trùng gây hại trong nông nghiệp còn gọi là nhóm tuyến trùng ký sinh thực vật. Chúng sống và di chuyển qua mô tế bào cây trồng, hút chích làm rễ bị nghẽn, phình to tạo nên các khối u sần hoặc hoại tử rễ làm giảm khả năng hút nước và dinh dưỡng của cây.
Tuyến trùng hoạt động chủ yếu trong đất độ sâu từ 5-30cm. Độ ẩm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến trùng, độ ẩm thích hợp là khoảng 60%, vì thế vào mùa khô hay mưa dầm mật độ tuyến trùng giảm mạnh. Nhiệt độ có ảnh hưởng lớn đến tuyến trùng, ở nhiệt độ 50-60oC trong vòng 1 giờ hoặc 30-40oC trong nhiều ngày liên tục, tuyến trùng sẽ bị chết.
Đa phần tuyến trùng đều đẻ trứng. Một con tuyến trùng cái có thể đẻ hàng ngàn trứng được chứa trong túi trứng. Vòng đời của tuyến trùng chia làm các giai đoạn bao gồm trứng, ấu trùng tuổi 1, ấu trùng tuổi 2, ấu trùng tuổi 3, ấu trùng tuổi 4 và trưởng thành. Tùy vào cây ký chủ và nhiệt độ mà vòng đời của tuyến trùng kéo dài từ 40-60 ngày.
TRIỆU CHỨNG BỆNH DO TUYẾN TRÙNG GÂY RA
Trên cây thanh long, tuyến trùng tấn công vào rễ, làm rễ bị tổn thương và u sung, thối rễ. Do rễ bị hư nên cây thanh long sinh trưởng kém, cành nhánh bị ngả vàng, teo tóp, không nảy chồi mới, đây là triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng thiếu phân, thiếu nước. Khi cây bị bệnh nặng, đặc biệt là khi có sự kết hợp với các vi sinh vật gây hại khác như Phytophthora sp., Fusarium sp, … thì rễ bị thối rữa nhanh chóng và cây có thể bị nhổ lên một cách dễ dàng.
BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ
Tuyến trùng rất khó khăn để phòng trừ, do đó bà con cần chú ý áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp để mang lại hiệu quả.
Bà con nên dùng giống sạch bệnh, không sử dụng cây bệnh do tuyến trùng gây ra để làm nguồn giống trồng diện rộng. Trước khi trồng nên cày xới đất kỹ, phơi đất để nhiệt độ và ánh nắng mặt trời tiêu diệt tuyến trùng có trong đất. Luôn giữ sạch vườn, dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật có trong vườn.
Bà con cũng nên chú ý bón phân đầy đủ và hợp lý các loại phân bón vô cơ, tăng cường bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh để cải tạo kết cấu đất, tăng cường hệ vi sinh có lợi để đối kháng, tiêu diệt tuyến trùng. Bà con cũng nên bổ sung thêm trung, vi lượng cần thiết để tăng cường khả năng sức đề kháng, thúc đẩy sự phát triển của cây.
Đối với những vườn thanh long đã bị tuyến trùng gây hại, nên tiêu hủy các cây bị bệnh, nhất là bộ rễ cây cần được dọn sạch, không nên tưới tưới tràn vì nó sẽ lây lan theo nguồn nước.
Khi đã xác định được sự có mặt tuyến trùng trong đất và gây hại thì bà con cần khẩn trương xử lý đất bằng một trong các loại thuốc sau Diazinol, Ethoprophos, Vifu- Super, Octiva, Travigo, Etocap, Cabofulran, … theo đúng liều lượng như hướng dẫn trên bao bì.
💻Website: biosacotec.com
☎️Điện thoại: 0379 399 843 - 0888 450 606
🌎Địa chỉ: 52A đường Hùng Vương, tổ 08 khu phố La Vân, T.T Ngãi Giao, H. Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu