Ngoài những loại rau ăn lá, dây leo chính là lựa chọn được nhiều “nông dân thành thị” để tâm đến và ưa chuộng hiện nay khi tiến hành trồng rau tại nhà. Bài viết sau đây của BioSacotec Hướng dẫn trồng các loại dây leo tại nhà chia sẻ những điều cơ bản nhất, giúp bạn có được một vườn trồng như ý khi mới bắt đầu.
Các loại dây leo đang được ưa chuộng hiện nay
Những loại dây leo không thể không nhắc đến khi bắt đầu trồng rau tại nhà như dưa leo, bầu, bí, khổ qua, mướp… sẽ giúp bạn nắm được kinh nghiệm cơ bản trước khi trồng những loại dây leo phức tạp hơn.
Những khó khăn khi trồng dây leo tại nhà
Dây leo trồng tại nhà cũng cần có loại đất trồng phù hợp, có khả năng thoát nước tốt vì đây là loại cây dễ bị những căn bệnh rễ tấn công, gây chết cả cây.
Mỗi loại dây leo sẽ có những vụ mùa trồng hiệu quả khác nhau.
Trồng dây leo chắc chắn bạn phải làm giàn, mặc dù không gian có chật hẹp thì giàn chính là yếu tố tối thiểu để cây dây leo phát triển.
Tỷ lệ nảy mầm của những loại dây leo thường không cao như những loại rau ăn lá, ngoài ra chất lượng hạt giống cũng là yếu tố quyết định năng suất sau này.
Tầm quan trọng của việc mua hạt giống chất lượng
Chất lượng hạt giống sẽ quyết định tỷ lệ nảy mầm và chất lượng quả được tạo ra sau này. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu hạt giống trong và ngoài nước, làm người trồng hoang mang và không biết lựa chọn loại nào là đúng đắn.
Nếu bạn mua phải hạt giống có chất lượng không đảm bảo sẽ gặp phải những vấn đề như sau:
– Tỷ lệ nảy mầm thấp hoặc nảy mầm tốt những cây chậm lớn, èo uột.
– Giống loài không đúng với thông tin in trên bao bì hoặc quảng cáo.
– Hạt giống chứa mầm bệnh sẽ lây lan cho cả vườn trồng, thậm chí đi vào sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Hạt giống tốt là hạt giống có chất lượng nảy mầm cao, sản phẩm cuối cùng chất lượng. Kích thước đều nhau, tròn đều, không bị mốc, lép hay mối mọt, nhìn bề ngoài căng và độ mẩy cao.
Kỹ thuật trồng các loại dây leo tại nhà
Ngâm ủ hạt giống: Ngâm ủ hạt giống sẽ giúp hạt giống có tỷ lệ nảy mầm cao hơn. Tùy theo từng loại hạt giống sẽ có thời gian ngâm ủ và lưu ý khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, đa số các loại hạt giống nên được ngâm trong khoảng 2-4 giờ trong nước ấm pha theo tỷ lệ 2 nước sôi, 3 nước lạnh. Sau khi ngâm xong có thể đặt hạt giống lên khăn ẩm hoặc bông gòn ẩm, tuy nhiên không quá nhũn nước để tránh gây hỏng hạt giống. Tiếp theo nên cho vào túi nilon (không quá kín) để ở nhiệt độ phòng 1-2 ngày để hạt nảy mầm. Trong thời gian này, nên kiểm tra xem hạt đã nảy mầm chưa, tránh rễ đã ra quá dài, khi tách hạt cho vào đất sẽ dễ gây chết cây. Đối với những loại hạt giống có kích thước nhỏ như cải xanh, cải ngọt, xà lách thì có thể bỏ qua bước ngâm hạt.
Bảo quản hạt giống: Để đảm bảo chất lượng tỷ lệ nảy mầm, ngoài chọn mua hạt giống thì bạn cũng nên nắm được cách thức bảo quản. Hạt giống nên được đặt trong túi kín, đặt nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp cũng như mưa gió, nóng, ẩm… Trường hợp túi hạt giống đã sử dụng và cần bảo quản cho mùa vụ sau, bạn nên gấp phần mép túi đã xé lại, miết cho kín, sau đó đặt vào túi hoặc hộp kín, đảm bảo mát mẻ và không có ánh sáng chiếu vào.
Kỹ thuật thiết kế giàn cho dây leo: Vị trí trồng dây leo bạn có thể tận dụng mép tường, hoặc hàng rào tại nhà sau đó thiết kế thêm giàn hỗ trợ cho cây. Khi làm giàn nên hạn chế dùng những vật liệu có tính tích nhiệt như sắt, kẽm, thép sẽ dễ làm tổn thương dây leo khi trời nắng. Bạn nên ưu tiên dùng những loại tre, nứa, dây thép bọc nhựa giúp giảm nhiệt và mát cho dây leo.
Kỹ thuật bón phân: Bón phân là việc làm không thể thiếu giúp cây phát triển hiệu quả, bạn nên sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón lót và bón thúc vào giai đoạn dây leo chuẩn bị ra hoa kết trái. Bón phân lúc cây chuẩn bị ra hoa bạn nên bón cách gốc từ 10-15cm để tránh gây nóng và chết cây.
Chăm sóc cây leo giàn: Giai đoạn dây bắt đầu leo giàn, bạn nên chỉnh sửa phân bố đều kết hợp tỉa bỏ những nhánh gốc, nhánh nhỏ, nhánh sâu bệnh để giàn được thông thoáng và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Lượng nước tưới cũng phải đảm bảo hằng ngày, vào ngày mưa bạn nên hạn chế tưới và tiến hành kiểm tra tình trạng thoát nước để tránh ứ đọng gây thối gốc rễ và phát sinh mầm bệnh.
Trên đây là Hướng dẫn trồng các loại dây leo tại nhà mà BioSacotec chia sẻ, mong rằng bạn có thể áp dụng hiệu quả và tạo nên vườn trồng như ý.