Tôm thẻ chân trắng có thời gian sinh trưởng ngắn, thu hồi vốn nhanh và nhiều ưu điểm khác, nên được bà con nông dân rất ưa chuộng. Khi đã có kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng chắc chắn sẽ giúp bà con đạt được hiệu quả và lợi nhuận rất lớn.
Nhờ có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thu hồi vốn nhanh và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, tôm thẻ chân trắng hiện đang là giống tôm được bà con nông dân ưa chuộng và nuôi trồng nhiều nhất. Tuy nhiên để đạt được năng suất cũng như hiệu quả, bà con nông dân cần phải có kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng đúng cách.
Điều kiện ao nuôi
Tôm chân trắng có cường độ bắt mồi khoẻ, lớn nhanh thích hợp với các hình thức nuôi thâm canh như mô hình ít thay nước, mô hình tuần hoàn khép kín.
Diện tích ao nuôi từ 0,5 – 1ha, độ sâu của nước 1,5 – 2m, mật độ từ 25 – 60 con/m2. Hình dạng của ao là hình vuông, hình tròn hoặc hình chữ nhật. Đáy ao bằng phẳng, có độ dốc khoảng 15 độ nghiêng về phía cống thoát nước.
Địa hình phù hợp cho việc xây dựng ao nuôi công nghiệp là vùng cao triều để thuận lợi cho việc cấp nước, thoát nước và phơi khô đáy ao khi cải tạo. Tôm thẻ chân trắng không thích sống ở ao đáy cát hoặc đáy bùn nên đất xây dựng ao phải là đất thịt hoặc đất pha cát, ít mùn hữu cơ, có kết cấu chặt, giữ được nước.
Nguồn nước chủ động, không bị ô nhiễm, độ pH từ 8,0-8,3, độ mặn từ 10-25%.
Chuẩn bị ao nuôi
– Đối với ao mới xây dựng: Cho nước vào ao ngâm 4 – 5 ngày, sau đó xả ra, lặp lại như vậy 2 – 3 lần rồi mới bón vôi. Với ao nuôi xây dựng trên vùng đất cát thì sau khi lót bạt xong, đáy ao nên rải cát dày 20 – 30cm để làm nơi trú ẩn cho tôm khi lột xác. Bằng cách này bà con có thể áp dụng được với phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng.
– Đối với ao cũ: Cần loại bỏ hết chất thải hữu cơ trong vụ nuôi trước.
>> Bài liên quan : MÀU NƯỚC NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG VÀ CÁCH QUẢN LÝ MÀU NƯỚC TỐT CHO TÔM
Thời vụ nuôi
– Ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ: vụ 1 bắt đầu nuôi từ cuối tháng 3 đầu tháng 4 đến hết tháng 7, vụ 2 bắt đầu nuôi từ tháng 10 đến hết tháng 12.
– Ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ: vụ 1 và vụ 2 bắt đầu nuôi từ tháng 1, tháng 2 đến hết tháng 8, vụ 3 bắt đầu nuôi từ tháng 9 đến hết tháng 11.
Chọn giống và thả giống
Chọn tôm có kích cỡ đồng đều, có màu trắng, hoạt động nhanh nhẹn, khi đưa vào chậu và xoay tròn dòng nước, tôm tủa ra xung quanh và bơi ngược dòng. Râu và phụ bộ đầy đủ, sạch sẽ, không bị dị hình, ruột chứa đầy thức ăn. Cỡ giống thả thích hợp là PL12 – PL15, chiều dài cơ thể 11 – 12mm.
Mật độ thả nuôi tùy thuộc vào hình thức nuôi và điều kiện nuôi, trung bình từ 70 – 150con/m2.
Thời gian thả giống là sáng sớm hoặc chiều mát lúc thời tiết tốt, không thả giống vào giữa trưa hoặc lúc trời mưa to gió lớn, khí hậu thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm.
>> Bài liên quan : HƯỚNG DẪN ƯƠNG GIỐNG TÔM THẺ CHÂN TRẮNG
Thức ăn cho tôm thẻ chân trắng
Thức ăn cho tôm thẻ chân trắng khi mới thả nên là thức ăn công nghiệp, đảm bảo lượng dinh dưỡng, môi trường nước ao nuôi. Ngoài ra, cần bổ sung khoáng, men, Vitamin C, E, dầu mực.
Khi tôm thả 7 – 10 ngày, cho tôm ăn cách bờ 2 – 4m. Thức ăn ở giai đoạn này là dạng bột mịn, vì vậy cần tắt quạt nước và trộn thức ăn với nước rồi tạt xuống ao.
Ngày thứ 10 sau khi thả giống, cho lượng ít thức ăn dạng cỡ nhỏ vào sàng để tôm làm quen và dễ kiểm tra lượng thức ăn dư. Sàng đặt nơi bằng phẳng, cách bờ 1,5 – 2m, sau cánh quạt nước 12 – 15cm, không đặt ở góc ao, khoảng 1.600 – 2.000m2 đặt một sàng. Sau 15 ngày, có thể sử dụng các chất bổ sung cung cấp vitamin, khoáng chất theo chỉ dẫn của nhà cung cấp giúp tăng cường sức khỏe cho tôm.
Tôm thẻ chân trắng khi mới thả có thể cho ăn 5 – 6 bữa/ngày để tôm có thể ăn mồi và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Khi tôm được 30 ngày tuổi nên cho tôm ăn 4 bữa/ngày. Lượng thức ăn mỗi bữa có thể tương đương nhau hoặc điều chỉnh tùy thuộc điều kiện ao nuôi (chất lượng nước, thời tiết, sử dụng hóa chất…).
>> Bài liên quan : CÁCH CHO TÔM THẺ CHÂN TRẮNG ĂN ĐÚNG CÁCH
Thu hoạch
Trong điều kiện chăm sóc tốt thì sau khoảng 85 – 95 ngày nuôi, tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm (50 – 60con/kg), nên tiến hành thu hoạch vì từ giai đoạn này trở đi tôm phát triển rất chậm, nếu tiếp tục nuôi thì hiệu quả kinh tế thu được không cao.
Quy trình này mang lại hiệu quả cao đối với vùng nuôi có kênh cấp, kênh thoát riêng biệt đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho nhu cầu thả nuôi, hạn chế dịch bệnh. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho nhiều nông dân và hộ gia đình có thêm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả . Có vấn đề gì vui lòng liên hệ Biosacotec để nhận được tư vấn miễn phí !
>> Bài liên quan : Phòng ngừa dịch bệnh đốm trắng ở tôm thẻ chân trắng