Phân bón lá là khái niệm còn khá xa lạ với nông dân hiện nay bởi nó chưa được biết đến và sử dụng rộng rãi trên thị trường. Bà con chỉ sử dụng phân để bón gốc cho cây nhằm bổ sung các dưỡng chất cần thiết do rễ hấp thụ từ đất. Tuy nhiên, trong những lúc thời tiết không thuận lợi như mưa lớn, ngập úng thì giải pháp bón gốc cho cây không hề tối ưu chút nào. Vì vậy, bón lá là biện pháp thay thế tuyệt vời với ưu điểm giúp cây đứng vững và phát triển, làm cho lá xanh tốt, ra đọt nhanh và nâng cao năng suất cây trồng. Vậy phân bón lá là gì? Tại sao nên dùng phân bón lá? Nên sử dụng như thế nào để mang lại kết quả cao nhất? Hãy theo dõi bài viết bên dưới ngay nhé!
Các loại rau bón phân lá
Phân bón lá là gì?
Phân bón lá là loại có chứa các hợp chất dinh dưỡng hòa tan trong nước, dùng phun lên lá giúp bổ sung các chất cần thiết cho cây trồng ở dạng dễ hấp thu. Cung cấp dưỡng chất qua lá còn tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khi gặp hạn hán, ngập úng hay sâu bệnh hại tấn công.
Các loại phân trên thị trường rất đa dạng, có thể được chia thành các nhóm theo dạng, thành phần hoặc theo cơ chế liên kết các nguyên tố dinh dưỡng.
- Theo dạng: dạng bột rắn và dạng lỏng
- Theo thành phần: các yếu tố dinh dưỡng, bổ sung chất điều hòa sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật.
- Theo cơ chế liên kết các nguyên tố chia thành 3 nhóm là vô cơ, hữu cơ và`hữu cơ khoáng.
Những tác dụng của phân bón lá?
Khi bón qua lá, dưỡng chất cung cấp cho cây trồng qua hệ thống khí khổng ở bề mặt lá. Theo số liệu đã được công bố, hiệu suất sử dụng chất này qua lá đạt tới 95%. Trong khi đó, bón qua đất, cây chỉ sử dụng được 45-50% dưỡng chất. Sở dĩ như vậy là vì tổng diện tích bề mặt các lá trên một cây rộng gấp 15-20 lần diện tích đất được che phủ bởi cành và lá, nghĩa là diện tích hấp thụ dưỡng chất của lá rộng hơn rất nhiều so với diện tích đất trồng của một cây. Qua khí khổng, các chất cần thiết được dẫn đến các tế bào, mô cây để sử dụng.
Trong thành phần các chất của phân bón lá ngoài các nguyên tố đa lượng, còn nguyên tố trung lượng và vi lượng. Các nguyên tố vi lượng này tuy có hàm lượng ít nhưng lại giữ vai trò rất quan trọng vì trong môi trường đất thường thiếu hoặc không có. Do đó, khi bổ sung các chất này trực tiếp qua lá sẽ giúp đáp ứng đủ nhu cầu và cân đối hàm lượng cho cây và tạo điều kiện cho cây tăng trưởng đầy đủ trong từng giai đoạn sinh trưởng.
Loại phân này có tác dụng đặc biệt trong những trường hợp cần bổ sung khẩn cấp dưỡng chất. Ngoài ra, một số loại còn bổ sung thành phần chất kích thích tăng trưởng, giúp tăng khả năng hấp thu vi sinh, kích thích đâm chồi, ra hoa, đậu quả và cải thiện năng suất của nông sản. Trong sản xuất phân bón lá, những thành phần này được phối trộn theo các quy trình khác nhau, tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu sử dụng đối với từng giai đoạn phát triển của cây.
Hiện nay, bên cạnh các loại bón lá đã được sử dụng khá phổ biến, các loại mới vẫn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển, đó là các loại phân có nguồn gốc từ tự nhiên như phân bón lá vi sinh và sinh học, không chỉ góp phần tăng năng suất còn tăng cường sức đề kháng chống lại sâu bệnh mà còn thân thiện với môi trường.
Tác dụng cách bón qua lá
Cây hút thức ăn nhờ gì?
Nhờ bộ rễ: Không phải toàn bộ các phần của rễ đều hút dinh dưỡng mà là nhờ miền lông hút rất nhỏ trên rễ tơ. Đầu tiên từ một rễ cái, bộ rễ được phân nhánh rất nhiều cấp, nhờ vậy tổng cộng diện tích hút dưỡng chất từ đất của cây rất lớn. Rễ hút nước trong đất và một số nguyên tố hòa tan trong dung dịch đất như: đạm, lân, kali, lưu huỳnh, magie, canxi và các nguyên tố vi lượng khác, bộ rễ là cơ quan chính lấy thức ăn cho cây.
Nhờ bộ lá: Bộ lá và các bộ phận khác trên mặt đất, kể cả vỏ cây cũng có thể hấp thu trực tiếp các dưỡng chất. Ở trên lá có rất nhiều lỗ nhỏ (khí khổng). Khí khổng là nơi hấp thụ các chất dinh dưỡng bằng con đường phun qua lá. Trên cây một lá mầm (đơn tử diệp) khí khổng thường phân bố cả 2 mặt lá, thậm chí mặt trên lá nhiều hơn mặt dưới lá như: lúa, lúa mì,… Trên cây ăn trái (cây thân gỗ) khí khổng thường tập trung nhiều ở mặt dưới lá. Khi dùng phân bón lá phải theo đặc điểm cây trồng và đúng hướng dẫn thì lá cây mới hấp thụ cao được.
Phun hay tưới kali qua lá giúp bổ sung những dưỡng chất còn thiếu cho cây
Khi nào bắt buộc phải bón phân qua lá:
Rễ còn đầy đủ nhưng cây không hấp thu được dinh dưỡng. Nguyên nhân là do:
- Dưỡng chất bị bất động hóa do các vi sinh vật hoặc bị cố định do môi trường đất và các chất hữu cơ.
- Sự nhiễm mặn (độ EC quá cao sẽ giới hạn khả năng hấp thụ nước của rễ cây).
- Sự bất động liên hệ tới độ pH (sự oxy hóa kim loại ở độ pH cao hoặc sự bất động của Mo ở pH thấp).
- Sự bất cân đối dinh dưỡng trong đất (sự đối kháng giữa các ion như K và Ca).
- Thiếu oxy (đất ngập nước). Ở những nơi đất bị thiếu nước, khô hạn sẽ ảnh hưởng đến khả năng hữu dụng của các dưỡng chất có trong đất, ở điều kiện này thì việc bón phân qua lá sẽ hiệu quả hơn so với bón vào đất.
- Rễ bị tổn thương hoặc không còn do côn trùng, nấm bệnh tấn công hoặc tổn thương cơ học (do xới xáo khi chăm bón làm đứt rễ).
- Rễ giảm hấp thụ chất cần thiết khi cây bước vào thời kỳ ra hoa, kết trái. Muốn cây tăng năng suất, phải phun thêm qua lá để bù đắp thành phần bị thiếu hụt.
- Bón phân qua lá cũng có thể được chỉ định khi nhu cầu tập trung dinh dưỡng vào các vị trí chuyên biệt bên trong cây vượt quá khả năng của rễ. Điều này thường xảy ra nhất trong những vùng trọng điểm của các loại trái cây lớn hoặc các chùm đậu.
- Khả năng cơ động các nguyên tố bên trong cây cũng có thể bị hạn chế nếu hoa phát triển trước lá, dẫn đến tình trạng hạn chế sự chuyển dịch dinh dưỡng trong các mô mao dẫn.Trong các thời kỳ hạn hán hoặc ẩm độ không khí cao cũng có thể hạn chế sự chuyển vận trong các mạch mao dẫn và ngăn cản sự phân phối các dưỡng chất bất động bởi các mô libe.
Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng phân bón lá:
Bón phân qua lá không phải là phương pháp chính để cung cấp dưỡng chất cần thiết. Đó chỉ là phương án mang tính tạm thời để cung ứng kịp thời và nhanh chóng các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây. Mỗi loại phân này có thành phần vi lượng với các tỉ lệ khác nhau, do đó tùy thuộc vào từng loại cây và giai đoạn phát triển mà sử dụng dưỡng chất phù hợp, phát huy hết dưỡng chất có trong chúng.
Cây hấp thụ qua lớp cutin:
Chất hòa tan di chuyển qua lớp cutin thông qua những lỗ hổng gọi là vi rãnh. Mức độ hấp thu ion từ việc phun qua lá thường cao hơn vào ban đêm. Để việc hấp thu dinh dưỡng cho lá có hiệu quả:
Phải đảm bảo nồng độ bên trong lá nhỏ hơn bên ngoài lá.
- Trước khi phun qua lá thì tạm thời không bón qua rễ.
- Nồng độ chất phun phải cao hơn nồng độ có sẵn trong lá. Tuy nhiên, nếu nồng độ phun quá cao sẽ gây cháy lá, hoặc cây bị bội thực (gây độc) và chết. Ngược lại, nồng độ thấp thì hiệu lực sẽ không phát huy tác dụng. Trong trường hợp này có thể khắc phục bằng cách pha nồng độ dung dịch lên cao từ từ, phun thử nghiệm, quan sát sự thay đổi của lá. Nếu cháy lá thì quay lại nồng độ trước đó, chọn nồng độ vừa phải để phun đại trà cho cây. Nhớ đọc kĩ hướng dẫn về nông độ sử dụng phù hợp từng loại cây trên bao bì phân.
Phải thắng được hàng rào cản của lớp cutin
- Phun lúc lá cây còn non khi sử dụng những chất bổ lưu động (mobile nutrients), lá còn đang phát triển thì sự chuyển dịch xuống rễ chậm hơn, điều này kích thích sự hấp thu dinh dưỡng từ rễ do bộ lá phát triển và quang hợp tốt hơn. Với các chất dinh dưỡng bất động (immobile nutrients) thì sử dụng trên cả lá già và lá non vì nó không gây nên sự thay đổi mà còn gia tăng lượng dinh dưỡng hấp thu từ rễ. Nhiều thí nghiệm cũng cho thấy phun Kali qua lá giúp tăng năng suất và lợi nhuận đáng kể trên đất hàm lượng kali trao đổi thấp.
- Thêm chất trải có nguồn gốc silicone là cách làm tăng hiệu quả khi phun, đặc biệt là lá có lớp cutin dày. Việc thêm chất trải cũng làm giảm thiệt hại lá vì vào ban ngày, khi nhiệt độ không khí gia tăng làm giảm ẩm độ, dẫn đến sự bốc hơi nhanh chóng dung dịch phun lá và làm khô nhanh dung dịch này trên bề mặt lá.
- Khi phun urê qua lá ở nồng độ cao sẽ gây tổn thương lá nhưng có thể khắc phục bằng cách phun đồng thời đường sucrose.
Phun nhiều lần trong một vụ để tăng hiệu quả.
Cung cấp dưỡng chất qua lá thúc đẩy hoạt động sinh trưởng của cây
Cây hấp thụ phân bón lá qua khí khổng
Nên phun lên bề mặt lá có nhiều khí khổng nhất:
- Ở lúa: mặt trên lá mật độ khí khổng cao hơn mặt dưới lá.
- Ở ngô, cà chua, khoai tây mặt trên lá mật độ khí khổng thấp hơn mặt dưới lá.
- Những cây thân gỗ, đa số lỗ khí khổng đều được bố trí ở mặt dưới lá.
Phun phân bón lá vào lúc khí khổng đang mở: Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến sự đóng mở khí khổng. Do đó, nên phun khi nhiệt độ từ 10-30 độ C, trời không nắng, không mưa, không có gió khô. Bên cạnh đó cần chú ý bổ sung đầy đủ lượng nước cho rễ để phát huy hết công dụng của phân.
Các loại phân bón lá
Tính đến tháng 12 năm 2012, theo thống kê Bộ Nông nghiệp và PTNT có đến 4.683 loại phân bón lá, chiếm hơn 60% tổng số loại phân bón có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.
Phân bón rất đa dạng về chủng loại và thành phần, có thể chia thành một số loại như sau:
- Loại khoáng đa lượng: Trong thành phần của loại phân bón lá này chỉ chứa một hoặc vài nguyên tố đa lượng nên chỉ có tác dụng cung cấp cho cây trồng những chất cần thiết trong thời điểm nhất định ở quá trình sinh trưởng của cây trồng.
- Khoáng vi lượng: Trong thành phần của loại này chứa các nguyên tố vi lượng giúp làm tăng năng suất đồng thời làm giảm lượng nitrate trong nông sản, đặc biệt là rau màu.
- Khoáng đa vi lượng hỗn hợp: Đây là loại phổ biến được nhiều người sử dụng do nó cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình sinh trưởng của cây trồng.
- Axit amin: Là một loại phân chứa các axit amin dưới dạng lỏng, có tác dụng tăng cường khả năng hấp thụ các chất cần thiết cho cây trong các quá trình ra hoa, đậu quả.
- Chứa các chất kích thích tăng trưởng thực vật, thường dùng để thúc đẩy ra hoa trái vụ và đậu quả.
- Dạng hỗn hợp: Đây là loại kết hợp nhiều thành phần dinh dưỡng kể cả chất kích thích tăng trưởng, giúp cây tăng hấp thu và đồng hóa chất dinh dưỡng. Hiện nay, phân bón lá hỗn hợp rất đa dạng và được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới.
- Thành phần chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên như tảo biển, rong, thảo dược,… Là sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ cây trồng, tăng cường sức chống chịu với những điều kiện bất lợi như thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sống.
Để tăng hiệu quả hấp thu, các công ty phân bón đã không ngừng cải thiện công nghệ kỹ thuật sản xuất tạo ra những sản phẩm có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty sản xuất ra các sản phẩm còn kém chất lượng. Nên với người tiêu dùng thì cần lựa chọn những loại dung dịch phun có kích thước phân tử nhỏ có thành phần phối trộn phù hợp nhau, độ bám dính tốt và các nhãn hàng chất lượng từ các công ty uy tín.
Tham khảo thêm về sản phẩm bón lá sinh học BIO-NUT:
Bio-nut bón lá sinh học
Phân bón lá cao cấp ECO-NEREO KELP
Eco-Nereo Kelp được sản xuất từ loại tảo biển Nereocystis Luetkeana được khai thác dọc vùng biển Bắc California và Oregon. Tảo biển rất giàu dinh dưỡng, nhất là acid amin, canxi, magie, vitamin và các khoáng chất vi lượng khác rất tốt cho sự sinh trưởng của cây trồng. Lá tảo được thu hoạch và lên men với các enzyme phù hợp, ủ trong các thùng chuyên dụng ở nhiệt độ 55-60oF. Hỗn hợp sử dụng một lượng Acid Humic vừa đủ và quá trình chuyển đổi hỗn hợp dinh dưỡng đưa qua hệ thống SWECO 200 để hình thành sản phẩm Eco-Nereo Kelp dạng dung dịch đậm đặc.
Phun phân bón trên lên trên rau
Qua nhiều nghiên cứu và thử nghiệm, kết quả cho thấy phân bón cao cấp Eco-Nereo Kelp là dòng sản phẩm tốt nhất đã ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để mang lại hiệu quả cao trong việc cải tạo đất, giúp cây nâng cao sức đề kháng chống chịu lại sâu bệnh hại và những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Với thành phần 100% hữu cơ đã được kiểm nghiệm và chứng nhận bởi các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, Eco-Nereo Kelp là một sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, cũng có thể nói là loại chất lượng cao được tin dùng trên thị trường hiện nay, tạo ra những nông sản chất lượng và an toàn cho người dùng.
Xem thêm: BẠN CÓ BIẾT VỀ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ?
Qua bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các kiến thức trong ngành về phân bón qua và cách sử dụng nó hiệu quả một cách đầy đủ. Hi vọng với những kinh nghiệm chúng tôi tích lũy đã mang đến những thông tin bổ ích về chăm sóc cây trồng cho bà con. Nếu có thắc mắc hay những vấn đề cần tư vấn hãy liên hệ Bio Sacotec ngay với thông tin bên dưới nhé! Chúc bà con có một vụ mùa đạt năng suất.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:
💻Website: biosacotec.com
☎️Điện thoại: 0379 399 843 - 0888 450 606
🌎Địa chỉ: 52A đường Hùng Vương, tổ 08 khu phố La Vân, T.T Ngãi Giao, H. Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu
One thought on “Phân Bón Lá Là Gì? Các Loại Phân Bón Lá Và Cách Sử Dụng Đúng Quy Trình.”