Bước vào mùa mưa, cây thanh long phải đối mặt với nhiều tác nhân gây hại như côn trùng, sâu hại, nấm bệnh. Nấm bệnh gây ra nhiều bệnh nguy hại thường gặp trong đó phải kể đến bệnh thối ngọn, nám cành, nấm bồ hóng, rỉ sắt,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng phát triển của cây cũng như đến năng suất và chất lượng trái thanh long thương phẩm.
BỆNH THỐI NGỌN
Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh
Bệnh thối ngọn hay còn gọi thối đầu cành do nấm Alternaria sp. gây ra. Bệnh thường xuất hiện quanh năm, đặc biệt vào điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao như vào đầu mùa mưa.
Triệu chứng bệnh
Ngọn cành hay đầu cành thanh long bị bệnh sẽ chuyển sang màu vàng, mềm ra sau đó bị thối. Bệnh thối ngọn khiến ngọn cây bị chết, cành không phát triển, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây thanh long.
Biện pháp phòng trị bệnh
Để việc phòng ngừa và trị bệnh có hiệu quả, bà con cần chú ý áp dụng đồng thời các biện pháp quản lý bệnh thích hợp để hạn chế phát sinh và tác động của bệnh đến vườn thanh long.
Bà con nên thường xuyên thăm vườn, đặc biệt là vào mùa mưa, dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật có trong vườn để tạo độ thông thoáng cho vườn, hạn chế phát sinh mầm bệnh.
Chủ động trong việc cung cấp đủ nước cho cây vào mùa nắng và thoát nước, tránh ngập úng vào mùa mưa.
Bón phân cân đối giữa các loại phân, bón theo nhu cầu của từng giai đoạn phát triển của cây. Bón nhiều phân hữu cơ như phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh để tăng cường hệ vi sinh hữu ích đối kháng với nấm bệnh.
Thường xuyên theo dõi vườn, khi bệnh mới xuất hiện thì có thể dùng thuốc Copper -B 65 BHN hoặc Mancozeb 80 WP, Ridomil 25 WP, Manzate 80 WP,… để trị, cần phun ướt đẫm ngọn và cành cây.
Những cành bị bệnh cần được cắt bỏ và mang đi tiêu hủy, tránh vứt trên luống trồng hay xuống mương nước làm lây lan nguồn bệnh ra khắp vườn.
BỆNH NÁM CÀNH
Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh
Bệnh nám cành hay còn gọi là bệnh đốm xám do nấm Sphaceloma sp. gây ra.
Bệnh nám cành trên cây thanh long thường xuất hiện vào mùa nắng, khi thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là ở những vườn thanh long không được chăm sóc tốt, bón phân không hợp lý sẽ có tỉ lệ bệnh nám cành cao hơn.
Triệu chứng bệnh
Cây thanh long khi bị bệnh nám cành sẽ có triệu chứng như là thân cành vết bệnh bị biến màu, trên đó mọc lên lớp nấm màu xám. Khi bệnh phát triển mạnh thì có thể làm thân cành kém phát triển, hoa và trái non bị rụng, làm giảm sút năng suất cây thanh long.
Biện pháp phòng trị bệnh
Để hạn chế sự tấn công và ảnh hưởng của bệnh nám cành trên cây thanh long, bà con nên áp dụng các biện pháp sau:
Bà con nên thăm vườn thường xuyên, dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật trong vườn, tỉa bỏ những cành già, cành sâu bệnh, tạo độ thông thoáng cho vườn thanh long.
Đối với những vườn đã bị bệnh, không tưới nước lên tán cây, không tưới nước vào lúc trời nắng nóng.
Có biện pháp chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng cho cây, bón cân đối đạm, lân, kali và các trung vi lượng. Không nên bón thừa đạm. Chú ý bón phân bón hữu cơ vi sinh để tăng cường khả năng đề kháng bệnh của cây. Bà con có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây thanh long qua phun phân bón lá định kỳ.
Khi cây thanh long bị bệnh, bà con cần tỉa bỏ những cành bệnh và mang đi tiêu hủy, tránh lây lan, đồng thời phun thuốc để trị bệnh. Bà con sử dụng các loại thuốc gốc đồng để phun như Kasuran 50WP, COC 85WP, Cuproxat 345SC.
BỆNH NẤM BỒ HÓNG
Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh
Bệnh nấm bồ hóng trên cây thanh long do nấm Capnodium sp. gây ra. Bệnh thường phát triển vào mùa nắng, do hoa và trái non tiết ra mật ngọt hoặc do rầy rệp tấn công trên cành non và tiết dịch làm cho nấm bồ hóng có điều kiện tấn công cây thanh long. Bệnh nấm bồ hóng phát tán nhờ gió, nước mưa, côn trùng hoặc qua cành trái bị nhiễm bệnh.
Triệu chứng bệnh
Bệnh nấm bồ hóng tạo nên một lớp mụi đen như khói đèn trên cành thanh long, làm cây giảm khả năng quang hợp. Trên trái, vết bệnh là vỏ trái bị mất màu, nếu trái bị bệnh nặng sẽ cho lớp vỏ xù xì, ảnh hưởng mẫu mã.
Biện pháp phòng trị bệnh
Để phòng trị bệnh nấm bồ hóng trên cây thanh long hiệu quả, bà con cần chú ý các biện pháp sau:
Tỉa bỏ cành già, sâu bệnh sau khi thu hoạch, tạo độ thông thoáng và hạn chế nơi cư trú của mầm bệnh.
Chủ động tưới nước cho cây thanh long vào mùa nắng, có thể tưới phun lên tán cây để rửa trôi bớt lớp mật hoặc dịch tiết từ rầy rệp để hạn chế sự phát sinh bệnh.
Bà con nên tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh, bón cân đối và hợp lý các loại phân bón vô cơ khác, hạn chế bón thừa đạm.
Khi bệnh xuất hiện, bà con nên phun thuốc gốc đồng để trị bệnh, đồng thời kết hợp với các loại thuốc trừ rầy rệp.
BỆNH RỈ SẮT
Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh
Bệnh rỉ sắt hay còn gọi là bệnh đốm đen trên cây thanh long do nấm Bipolaris sp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa, ở điều kiện nhiệt độ, độ ẩm không khí cao. Bệnh rỉ sắt lây lan qua gió, nước mưa hay côn trùng hoặc trong tàn dư thực vật trong vườn.
Triệu chứng bệnh
Trên nụ hoa, vết bệnh là những chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó thành vệt dài lõm, phát triển từ rìa tai lan dần vào bên trong.
Trên hoa, bệnh phát triển mạnh ở giai đoạn hoa nở, bệnh tấn công làm hoa không nở được.
Biện pháp phòng trị bệnh
Bà con nên bón nhiều phân hữu cơ hoai mục hay hữu cơ vi sinh để giúp cây sinh trưởng tốt và tăng khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh.
Vệ sinh vườn thường xuyên, rút râu sau khi hoa nở 3-4 ngày và phun thuốc ngăn ngừa nấm bệnh phát triển.
Bón phân cân đối và hợp lý các thành phần đạm, lân, kali, không nên bón thừa đạm.
Đối với những nụ, hoa nhiễm bệnh bà con nên thu gom và tiêu hủy. Sau đó tiến hành phun thuốc phòng trị bằng các loại thuốc gốc đồng hoặc Validamycin, Iprodione, Difenoconazole, …
Bệnh rỉ sắt gây hại nặng vào giai đoạn trùng với thời điểm xử lý ra hoa trái vụ của bà con nông dân do đó dễ gây nên thiệt hại lớn, bà con cần chú ý kết hợp các biện pháp phòng trừ trên diện rộng để hạn chế ảnh hưởng của bệnh đến vườn thanh long.
💻Website: biosacotec.com
☎️Điện thoại: 0379 399 843 - 0888 450 606
🌎Địa chỉ: 52A đường Hùng Vương, tổ 08 khu phố La Vân, T.T Ngãi Giao, H. Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu