Thanh long hiện là một trong những cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, được trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và rải rác ở một số tỉnh khác. Tuy dễ trồng nhưng bà con nên nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long hiệu quả sẽ giúp vườn trồng đạt năng suất cao hơn.
CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI TRỒNG
CHỌN GIỐNG
Chọn cành thanh long ruột đỏ to, khỏe, thẳng, không bị sâu bệnh, tuổi cành lớn hơn 6 tháng để làm giống. Hom giống có thể được giâm trước khi trồng hoặc trồng thẳng ra vườn.
ĐẤT TRỒNG
Đất trồng thanh long ruột đỏ cần được bà con xử lý kỹ trước khi trồng để trừ cỏ dại và nấm bệnh. Tùy thuộc vào điều kiện mà làm đất thành mô hoặc đào hố để trồng thanh long, phải đáp ứng các yêu cầu sau: cao ráo, thoát nước tốt để không bị úng, làm thối rễ cây ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của cây thanh long.
Bà con nên chú ý, tuyệt đối không được lạm dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Dư lượng chất hoá học tồn lại trong đất lâu ngày sẽ giết chết hệ vi sinh vật có lợi, làm đất mất độ tơi xốp, bị chai cứng, mất cân bằng độ ẩm, pH, không thể canh tác đạt năng suất cao. Độ phì nhiêu của đất được quyết định bởi hàm lượng các chất hữu cơ. Nếu hàm lượng các chất hữu cơ trong đất bị mất đi hoặc không còn đủ, đất sẽ mất khả năng tự phục hồi sau mùa vụ. Lúc đó, chi phí bà con phải bỏ ra để cải tạo rất lớn và mất rất lâu (3-5 năm) để đất trở về trạng thái có thể canh tác hiệu quả như cũ. Chính vì vậy, phân hữu cơ, nhất là phân hữu cơ vi sinh không chỉ là sự lựa chọn tốt nhất ở hiện tại, mà còn là sự đầu tư bền vững cho tương lai.
MẬT ĐỘ TRỒNG
Nên trồng thanh long với mật độ từ 900-1100 trụ/ha. Tránh trồng dày sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái, có thể trồng xen canh thanh long ruột đỏ với các loại rau màu hoặc cây ngắn ngày khác.
THỜI VỤ TRỒNG
Thanh long có thể trồng quanh năm, tuy nhiên bà con thường trồng vào tháng 10-11 hoặc tháng 4-5.
Vào tháng 10-11 dương lịch thì nguồn hom dồi dào do cùng thời điểm tỉa cành, cuối mùa mưa độ ẩm phù hợp, nhưng lúc này cây chưa đủ lớn để chịu được nắng hạn, do đó cần chú ý đến tưới nước và giữ ẩm trong mùa nắng.
Vào tháng 4-5 dương lịch thì thuận lợi về thời tiết – đầu mùa mưa, tuy nhiên xuống giống thời gian này phải chuẩn bị hom giống trước vì là mùa thanh long ra hoa.
CÁCH TRỒNG
Trồng thanh long bằng mô
Mô hoặc hố trồng thanh long phải đáp ứng yêu cầu: cao, ráo, thoát nước tốt và giữ nước tốt, vì cây thanh long cần lượng nước không cao, nhưng phải cung cấp đầy đủ. Về mùa mưa phải thoát nước tốt và không bị úng sẽ làm thối rễ cây, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất.
Đối với cây thanh long nếu trồng trên mô do điều kiện đất trồng thấp, mực thủy cấp cao nên rất dễ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, nhất là vào mùa mưa dễ bị ngập úng. Chính vì bộ rễ là nơi hút chất dinh dưỡng trong đất cung cấp cho cây sinh trưởng, phát triển, do vậy phải tạo điều kiện tốt cho rễ phát triển, nên vùng đất thấp cần đấp mô cao để trồng.
Những vùng đất thấp phải đắp mô trồng cao 30-35cm và rộng 50-60cm
Trồng thanh long bằng hố
Trước khi đặt hom phải đào cạnh trụ một hố có kích thước 25 – 30cm, sâu 10 – 15 cm, rồi bón lót 5- 10 kg phân chuồng + 0,5 kg Super lân. Tùy điều kiện đất trồng mà có thể đào hố trồng vuông hoặc tròn, kết hợp bón lót phân vô cơ và hữu cơ, sau đó phủ lên một lớp đất trước khi trồng. Hố trồng được đào cạnh bên trụ thanh long, sau đó kết hợp bón lót phân vô cơ và hữu cơ trước khi trồng.
Những vùng đất cao, sau khi định vị kích thước rồi trồng trụ và sau đó trồng thanh long, người dân thường ít chú ý đến khâu bón lót trước khi trồng, điều này không tốt cho cây thanh long sau này. Vì bón lót sẽ tạo thức ăn dự trữ cho cây khi rễ phát triển sẽ sử dụng được ngay, khi đó cây có điều kiện sinh trưởng tốt giai đoạn đầu.
Cây hom trong bầu ươm thì đào hố sâu khoảng 10cm
Cây hom không trồng trong bầu ươm, thì đào hố sâu 5 cm là vừa
Độ rộng lỗ trồng: Nếu có bón lót phân hữu cơ và phân hóa học thì đào hố rộng 30-40cm để bón phân cho phù hợp.
BÓN LÓT TRƯỚC KHI TRỒNG
Sau khi đào hố xong thì bón phân lót và thuốc trừ sâu dạng hạt (vd: basudin 10H…) để tạo cho môi trường đất trồng không còn các đối tượng gây hại cho sinh trưởng và phát triển của cây thanh long và cung cấp dinh dưỡng cho đất, đến khi bộ rễ thanh long phát triển thì sẽ có đầy đủ chất dinh dưỡng để sử dụng.
Giai đoạn kiến thiết cơ bản là một giai đoạn rất quan trọng. Giai đoạn này bà con cần chú ý đến việc tạo tán cây và bón phân phù hợp để cây phát triển. Giai đoạn từ 1-2 năm tuổi cây cần nhiều đạm, lân, kali và trung vi lượng để tập trung phát triển bộ rễ và bộ khung cơ bản, để chồi và cành to mập, khỏe mạnh.
Bón lót phân hữu cơ/phân hữu cơ vi sinh trước khi trồng và khoảng 6 tháng sau khi trồng. Mỗi trụ bón khoảng 10-15kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg supe lân/lân hoặc thay thế phân chuồng bằng 1-2kg phân hữu cơ vi sinh.
Sau đó mỗi tháng bón 1 lần phân hóa học với liều lượng 50-80g urea + 100 – 150 g NPK/trụ. Dùng rơm tủ lên gốc và tưới nước cho phân tan.
Năm 2 nên bón phân hữu cơ/ phân hữu cơ vi sinh 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Bón 15-20kg phân chuồng hoai mục mục + 0,5 kg supe lân/lân hoặc thay thế phân chuồng bằng hoặc 3-4kg phân hữu cơ vi sinh mỗi trụ.
Mỗi tháng bón định kỳ phân hóa học với liều lượng 80-100g urea + 150-200g NPK/trụ.
TỈA CÀNH, TẠO TÁN
Cắt tỉa cành tạo tán tròn, phân bố đều quanh trụ. Chọn các cành to khỏe để lại, tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành khuất trong tán. Tỉa cành mới theo nguyên tắc 1 cành mẹ, 2 cành con.
TƯỚI NƯỚC
Tuy thanh long ruột đỏ là loại cây chịu hạn tốt nhưng nếu kéo dài sẽ làm cây mất sức, ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện mà thay đổi nhịp độ tưới cho phù hợp từ 3-7 ngày/lần.
KIỂM SOÁT SÂU BỆNH
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và áp dụng các biện pháp quản lý phòng trừ sâu bệnh hại trên cây thanh long. Khi sâu bệnh hại xuất hiện cần xử lý kịp thời để tránh lây lan, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Bà con cũng nên chú ý đến liều lượng và nồng độ thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng. Nếu sử dụng không đúng liều lượng, sẽ dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc, thuốc mất tác dụng ở các lần sử dụng sau.
CHĂM SÓC THANH LONG GIAI ĐOẠN KINH DOANH
BÓN PHÂN GIAI ĐOẠN KINH DOANH
Giai đoạn kinh doanh từ năm thứ 3 trở đi cây bắt đầu cho trái, cây cần cân đối giữa đạm, lân, kali và trung vi lượng để cho trái to đẹp, năng suất cao.
Bón phân hữu cơ 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa, mỗi trụ bón từ 20-30kg phân chuồng hoai mục + 0,5kg Supe lân/lân Văn Điển. Có thể thay thế phân chuồng bằng phân hữu cơ vi sinh, mỗi trụ bón 3-5kg.
Bón phân hóa học vào giai đoạn trước ra hoa, giai đoạn nuôi nụ và giai đoạn nuôi trái. Có thể sử dụng phân NPK hoặc phân đơn tùy theo mục đích. Liều lượng bón từ 500g-1kg mỗi trụ tùy thuộc vào tuổi cây và tán cây. Có thể sử dụng thêm các loại phân bón lá, nhằm kích thích cây mau ra hoa, tăng độ bóng vỏ trái, độ cứng tai trái và kích cỡ trái.
Ở giai đoạn phân hóa mầm hoa cần giảm lượng đạm, tăng cường thêm lân và kali để giúp cành mau trưởng thành và kích thích ra hoa, có thể sử dụng NPK 1:3:2. Kết hợp phun phân bón lá.
Khi cây ra nụ, trổ hoa và nuôi trái thì bón nhiều đạm và kali để tăng kích thước và trọng lượng, màu sắc và độ ngọt của trái, có thể sử dụng NPK 1:1:2. Bổ sung thêm phân bón lá để cung cấp thêm Canxi-bo cho cây.
Sau khi cây ra nụ, tiến hành tỉa bỏ những hoa xấu, sâu bệnh hoặc tỉa bỏ bớt những cành có quá nhiều hoa. Khi hoa nở, tiến hành tỉa trái, chỉ để 1-2 trái to đẹp trên một cành, bà con cũng có thể sử dụng túi lưới để bao trái giữ không cho sâu bệnh phá hại đến khi trái chín.
Khi trái lớn, bà con có thể áp dụng kỹ thuật vuốt tai trái thanh long để tai được thẳng đẹp tạo mẫu mã cho trái và góp phần hạn chế một số nấm bệnh trên trái.
Chăm sóc cành trái cây thanh long còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật bón phân. Cây thanh long ruột đỏ rất hợp với phân gà vì loại phân này cho trái đẹp, năng suất cao. Để việc bón phân có hiệu quả, bà con cần lưu ý đến loại đất và thời điểm bón phân cũng như loại phân và liều lượng bón. Phân hoá học hay thuốc bảo vệ thực vật là những con dao hai lưỡi khó lường – tác dụng nhanh ngay lần đầu tiên sử dụng nhưng rất có hại về lâu về dài. Bà con hãy tìm hiểu để đất canh tác hay cây trồng không bị rơi vào tình trạng không thể cứu chữa. Bà con nên bổ sung đầy đủ lượng hữu cơ cho cây thông qua phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh, nhất là phân gà vi sinh để tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp hấp thu các chất dinh dưỡng tốt hơn.
THẾ NÀO LÀ BÓN PHÂN HỢP LÝ?
Bón phân hợp lý là sử dụng lượng phân bón thích hợp cho cây đảm bảo tăng năng suất cây trồng với hiệu quả kinh tế cao nhất, không để lại các hậu quả tiêu cực lên nông sản và môi trường sinh thái. Nói một cách ngắn gọn, bón phân hợp lý là thực hiện 5 đúng và một cân đối:
Đúng loại phân:
Cây cần phân gì bón đúng loại phân đó. Phân có nhiều loại, mỗi loại có những tác dụng riêng. Bón không đúng loại phân không những phân không phát huy được hiệu quả, mà còn có thể gây ra những hậu quả xấu.
Bón đúng loại phân không những phải tính cho nhu cầu của cây mà còn phải tính đến đặc điểm và tính chất của đất. Đất chua không bón các loại phân có tính axit. Ngược lại, trên đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.
Bón đúng lúc:
Nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng của cây thay đổi tuỳ theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có nhiều giai đoạn sinh trưởng cây cần đạm nhiều hơn kali, có nhiều giai đoạn cây cần kali nhiều hơn đạm. Bón đúng thời điểm cây cần phân mới phát huy được tác dụng.
Cây trồng cũng như các loài sinh vật khác, có nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng thường xuyên, suốt đời. Vì vậy, để cho cây có thể sử dụng tốt các loại phân bón, tốt nhất là chia ra bón nhiều lần và bón vào lúc cây hoạt động mạnh. Bón tập trung vào một lúc với nồng độ và liều lượng phân bón quá cao, cây không thể sử dụng hết được, lượng phân bị hao hút nhiều, thậm chí phân còn có thể gây ra những tác động xấu đối với cây.
Bón đúng đối tượng:
Trong cách hiểu thông thường bón phân là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Vì vậy, đối tượng của việc bón phân là cây trồng.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, một lượng khá lớn chất dinh dưỡng của cây, nhất là các nguyên tố vi lượng, cây được tập đoàn vi sinh vật đất cung cấp thông qua việc phân huỷ các chất hữu cơ hoặc cố định từ không khí. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy bón phân để kích thích và tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất cho phép cung cấp cho cây một lượng chất dinh dưỡng dồi dào về số lượng và tương đối cân đối về các chất. Trong trường hợp này thay vì bón phân nhằm vào đối tượng là cây trồng, có thể bón phân nhằm vào đối tượng là tập đoàn vi sinh vật đất.
Trong một số trường hợp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho sâu bệnh tích lũy và gây hại nặng. Càng bón thêm phân, cây lại sinh trưởng mạnh thêm, sâu bệnh lại phát sinh nhiều hơn và gây hại nặng hơn. Ở những trường hợp này, bón phân cần nhằm đạt mục tiêu là ngăn ngừa sự tích lũy và gây hại của sâu bệnh.
Bón phân trong một số trường hợp có tác dụng làm tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với các điều kiện không thuận lợi trong môi trường và với sâu bệnh gây hại. Đặc biệt các loại phân kali phát huy tác dụng này rất rõ. Như vậy, bón phân không phải lúc nào cũng là để cung cấp thêm chất dinh dưỡng, thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Có những trường hợp phải tác động theo chiều hướng ngược lại: cần kìm hãm bớt tốc độ tăng trưởng và phát triển của cây trồng, làm tăng tính chống chịu của chúng lên.
Bón phân là đưa vào hệ sinh thái nông nghiệp những yếu tố mới và có tác động lên các mối liên hệ.
Trong thực tế, phân bón có thể có những tác động sâu sắc trong các mối liên hệ thông tin và năng lượng. Phát hiện được tác dụng của phân bón lên các mối liên hệ thông tin và năng lượng, có thể với lượng phân bón không nhiều, tạo ra những hiệu quả to lớn và tích cực trong việc tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Như vậy, đối tượng của phân bón không chỉ có cây trồng, tập đoàn vi sinh vật đất, mà còn có cả toàn bộ các thành tố cấu thành nên hệ sinh thái nông nghiệp. Chọn đúng đối tượng để tác động, có thể mở ra những tiềm năng to lớn trong việc nâng cao hiệu quả của phân bón.
Đúng thời tiết, mùa vụ:
Thời tiết có ảnh hưởng đến chiều hướng tác động và hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi phân bón gây lãng phí lớn. Nắng gắt cùng với tác động của các hoạt động phân bón có thể cháy lá, hỏng hoa, quả.
Trong điều kiện khí hậu, thời tiết và sản xuất của nước ta đối với các loại cây ngắn ngày, mỗi năm có 3 – 4 vụ, thậm chí 8 – 9 vụ sản xuất. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở từng vụ có khác nhau, cho nên nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng cũng như phản ứng đối với tác động của từng yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau.
Lựa chọn đúng loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý có thể nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Việc sử dụng đúng các loại phân phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết mùa vụ đã được trình bày một phần ở của sách này.
Bón đúng cách:
Có nhiều phương pháp bón phân: bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hòa vào nước phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước, v.v…
Có nhiều dạng bón phân: rắc bột, vo viên dúi vào gốc, pha thành dung dịch để tưới.
Có nhiều thời kỳ bón phân: bón lót, bón thúc đẻ nhánh, thúc ra hoa, thúc kết quả, thúc to trái…
Lựa chọn đúng cách bón thích hợp cho loại cây trồng, cho vụ sản xuất, cho loại đất… có thể làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón lên gấp nhiều lần.
Cách bón thích hợp vừa đảm bảo tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả phân bón, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng cơ sở sản xuất, phù hợp với từng trình độ của người nông dân.
Bón phân cân đối
Cây trồng có yêu cầu đối với các chất dinh dưỡng ở những lượng nhất định với những tỷ lệ nhất định giữa các chất. Thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém, ngay cả những khi có các chất dinh dưỡng khác ở mức thừa thãi.
Các nguyên tố dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp lên cây mà còn có ảnh hưởng qua lại trong việc phát huy hoặc hạn chế tác dụng của nhau.
Đối với mỗi loại cây trồng có những tỷ lệ khác nhau trong mức cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Tỷ lệ cân đối này cũng thay đổi tùy thuộc vào lượng phân bón được sử dụng. Tỷ lệ cân đối giữa các nguyên tố dinh dưỡng cũng khác nhau ở các loại đất khác nhau.
Điều cần lưu ý là không được bón phân một chiều, chỉ sử dụng một loại phân mà không chú ý đến việc bón trên các loại đất khác nhau.
Bón phân không cân đối không những không phát huy được tác dụng tốt của các loại phân, gây lãng phí mà còn có thể gây ra những tác dụng không tốt đối với năng suất cây trồng và đối với môi trường.
Bón phân cân đối có các tác dụng tốt là:
Ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn.
Tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.
Tăng phẩm chất nông sản.
Bảo vệ nguồn nước, hạn chế chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Vai trò hết sức quan trọng đối với độ phì nhiêu của đất, nó ảnh hưởng quyết định đến sự tạo thành và làm bền vững cấu trúc đất. Chất hữu cơ có khả năng tương tác với các chất dinh dưỡng, cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng đồng thời giữ độ ẩm tối ưu cho cây trồng, khử được chua, phèn cùng các loại độc tố…
Có được những tính chất trên là do các chất hữu có trong phân hữu cơ sinh học sau khi được xử lý, hoạt chất đã trở thành các hoạt chất có hoạt tính sinh học cao, nhờ có cấu trúc rỗng xốp, các nguyên tố khoáng này sẽ được giữ lại trong các cấu trúc rỗng xốp và tạo ra một kho lưu trữ các chất dinh dưỡng, giúp cho các chất dinh dưỡng không bị rửa trôi hoặc thấm xuống tầng đất sâu mà rễ không hấp thu được.
NƯỚC TƯỚI
Tưới tiêu nước hợp lý cho cây thanh long để đảm bảo cây không bị thiếu nước làm cành ốm yếu, suy kiệt cũng như tránh ngập úng ảnh hưởng gây thối rễ, thối cành. Tủ gốc để duy trì độ ẩm đất và giảm lượng thất thoát phân bón do rửa trôi.
SÂU BỆNH HẠI
Ngoài ra, bà con cần chú ý theo dõi tình trạng sâu bệnh hại phát triển trên vườn để kịp thời có biện pháp phòng trừ thích hợp. Bà con cần vệ sinh cỏ dại và tỉa cành tạo độ thông thoáng cho vườn, loại bỏ những cành và trái bệnh ra khỏi vườn để tiêu hủy. Tiến hành phun thuốc kịp thời, đúng liều lượng để điều trị và ngăn sâu bệnh lây lan ra cả vườn, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng của thành phẩm.
CHĂM SÓC CÂY THANH LONG SAU THU HOẠCH
TƯỚI TIÊU CHO CÂY THANH LONG
Mặc dù là cây chịu hạn nhưng nếu cây thanh long thiếu nước thì cây sẽ mất sức và giảm khả năng ra hoa. Việc tưới tiêu hợp lý sẽ giúp cây thanh long phục hồi tốt hơn. Do đó, bà con cần chú ý chủ động hơn trong việc tưới nước để cung cấp đủ nước cho cây thanh long, duy trì độ ẩm và kết cấu đất, giúp thanh long có thể nhanh chóng phục hồi sau một mùa vụ.
TỦ GỐC
Tủ gốc cho cây thanh long cũng là một vấn đề quan trọng cần được bà con lưu ý. Tủ gốc giúp giữ ẩm cho cây thanh long nhất là vào mùa khô hạn, hạn chế được sự phát triển của cỏ dại, hạn chế sự hao hụt phân bón và hơn nữa là giúp bổ sung thêm thành phần hữu cơ cho đất. Bà con có thể sử dụng các loại vật liệu dễ tìm như rơm rạ khô, xơ dừa, cỏ khô, lục bình để tủ gốc cho cây thanh long.
TỈA CÀNH TẠO TÁN
Sau thu hoạch, việc tỉa cành tạo tán cho cây thanh long là một bước chăm sóc không thể thiếu để giúp cho cây có không gian thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Thực hiện tỉa 2/3 số cành già, cành ốm yếu và cành bị sâu bệnh nằm khuất bên trong. Chỉ giữ lại những cành khỏe, cành tốt. Dùng dao chặt ¾ chiều dài cành cần tỉa bỏ, sau đó, khi các tượt non mọc ra thì tiếp tục tỉa chồi, chỉ giữ lại 1-2 chồi non khỏe. Bà con cũng nên thường xuyên sắp xếp các cành đều về các hướng để đón ánh nắng tốt hơn, tránh mọc lệch, tập trung về một phía.
DINH DƯỠNG CHO CÂY THANH LONG
Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng cho cây thanh long cũng hết sức quan trọng, giúp cây thanh long phục hồi và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất mà cây đã lấy đi. Đây cũng là giai đoạn cây tích lũy dinh dưỡng để sử dụng cho mùa vụ kế tiếp. Trong giai đoạn này, bà con nên bón phân hữu cơ vi sinh kết hợp với phân lân hoặc bón NPK theo tỉ lệ 2:1,5:1.
Bà con nên lưu ý không lạm dụng quá nhiều phân bón vô cơ/ phân hoá học, khiến đất mất cân bằng pH, độ ẩm, giết chết hệ vi sinh vật có lợi trong đất, đất bị thoái hoá sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các cây trồng đã, đang và sẽ canh tác. Dư lượng chất hoá học tồn đọng trong trái thanh long cũng là một vấn đề bà con nên lưu tâm, nếu hàm lượng quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Thói quen sử dụng phân hữu cơ vi sinh đang dần hình thành mạnh mẽ bởi bà con đã biết đến những lợi ích nó mang lại, không chỉ đối với cây trồng mà còn đối với sự phát triển bền vững của đất. Phân chuồng tươi hiện nay đã được thay thế bằng phân chuồng đã qua xử lý bằng cách ủ hoai. Đặc biệt là phân gà – một yếu tố dinh dưỡng không thể thiếu trong mọi giai đoạn chăm sóc cây thanh long. Phân gà tươi hiện tại không còn được ưa chuộng bởi mùi hôi thối, vận chuyển khó khăn, chi phí cao, hơn nữa còn bị cấm tại một số vùng canh tác thanh long trọng điểm bởi việc bón phân gà tươi ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như sức khoẻ người dân.
Để nguồn dinh dưỡng được sử dụng hiệu quả, bà con cần làm sạch cỏ dại trong vườn để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng và tránh tạo điều kiện thuận lợi để sâu bệnh hại tấn công cây thanh long.
SÂU BỆNH HẠI
Cây thanh long ở giai đoạn sau thu hoạch cũng dễ bị sâu bệnh hại tấn công như ốc sên, kiến, côn trùng bọ cánh cứng, bệnh thối cành, đốm nâu, thán thư, … tấn công. Do đó cần có biện pháp phòng ngừa và trị hợp lý. Bà con cần chú ý tới việc sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh để bón và bón một cách cân đối, hợp lý giữa các loại phân bón, đồng thời tưới tiêu nước hợp lý, cắt tỉa cành kết hợp với dọn vườn để tạo độ thông thoáng, từ đó hạn chế sự phát triển của sâu bệnh hại.
- BỆNH ĐỐM NÂU TRÊN CÂY THANH LONG VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ
- BỆNH THỐI NHŨN Ở CÂY THANH LONG VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ HIỆU QUẢ
- BỆNH THÁN THƯ TRÊN CÂY THANH LONG VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ
- CÁCH PHÒNG TRỊ HIỆU QUẢ BỆNH THỐI NGỌN VÀ MỘT SỐ BỆNH DO NẤM KHÁC TRÊN CÂY THANH LONG
- TUYẾN TRÙNG HẠI RỄ CÂY THANH LONG – NGUY CƠ MẤT SẠCH HÀNG NGÀN HECTA
NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP :
Cây thanh long có dễ trồng không?
Rễ địa sinh sẽ mọc từ phần nào của hom?
Cây thanh long thích hợp với loại đất nào?
Mỗi mẫu tây đất (Ha) trồng được bao nhiêu trụ thanh long?
Thuật ngữ liên quan
Qua bài viết trên, BioSacotec đã cung cấp đầy đủ chi tiết về KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC THANH LONG HIỆU QUẢ, mong bà con nông dân sẽ áp dụng hiệu quả, chúc bà con thành công.
💻Website: biosacotec.com
☎️Điện thoại: 0379 399 843 - 0888 450 606
🌎Địa chỉ: 52A đường Hùng Vương, tổ 08 khu phố La Vân, T.T Ngãi Giao, H. Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu