Chăm Sóc Cây Ăn Trái

THANH LONG CHONG ĐÈN – KỸ THUẬT XỬ LÝ THANH LONG RA HOA TRÁI VỤ BẰNG ĐÈN

THANH LONG CHONG ĐÈN - KỸ THUẬT XỬ LÝ THANH LONG RA HOA TRÁI VỤ BẰNG ĐÈN

Thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ đã trở nên quá quen thuộc với thị trường cây ăn trái xuất khẩu ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… Thanh long ra hoa vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8, một tháng sau thì cho thu hoạch. Bởi vì có giá trị kinh tế cao, nên thanh long chong đèn là biện pháp được bà con nghiên cứu áp dụng nhằm thúc cây ra hoa trái vụ nâng cao năng suất.

THANH LONG CHONG ĐÈN - KỸ THUẬT XỬ LÝ THANH LONG RA HOA TRÁI VỤ BẰNG ĐÈN

KỸ THUẬT XỬ LÝ THANH LONG RA HOA TRÁI VỤ BẰNG ĐÈN

Thanh long là cây quang kỳ, để ra hoa phải trải qua nhiều ngày. Bà con sẽ dựa vào nguyên tắc dùng ánh sáng đèn thay cho ánh sáng mặt trời để cắt đêm dài – Gọi là thanh long chong đèn – kỹ thuật xử lý thanh long ra hoa trái vụ.

Hiện nay, việc thanh long chong đèn hoặc thắp đèn hay xông đèn vào ban đêm để xử lý ra hoa trái vụ trong điều kiện ngắn ngày đã được bà con nông dân áp dụng rộng rãi, mang lại lợi nhuận cao. Tùy theo mùa vụ mà thời gian chong đèn như số đêm, số giờ chong đèn mỗi đêm thay đổi phù hợp để cây thanh long có thể ra hoa. Thời gian từ khi ra nụ đến lúc hoa nở khoảng 18-21 ngày, từ khi hoa nở đến lúc thu hoạch 28-35 ngày, do đó tùy theo mục đích và nhu cầu của thị trường mà bà con nông dân quyết định thời gian xử lý ra hoa. Để việc chong đèn ra hoa trái vụ ở cây thanh đạt được hiệu quả thì bà con cần lưu ý đến một số kỹ thuật dưới đây.

ĐỘ TUỔI

Độ tuổi cây thanh long là điều đầu tiên quan trọng mà bà con phải lưu ý. Đối với cây thanh long khỏe mạnh, được chăm sóc tốt thì độ tuổi từ 18-20 tháng có thể xử lý ra hoa được, tuy nhiên, không nên để cây mang trái quá nhiều vào độ tuổi này, tránh làm suy kiệt cây, ảnh hưởng đến khả năng mang trái sau này.

DINH DƯỠNG

Để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây thanh long chong đèn ra hoa và nuôi trái, bà con cần bón phân đầy đủ bao gồm phân vô cơ, phân hữu cơ vi sinh và kết hợp thêm phân bón lá. Bón phân cân đối, đúng liều lượng, đúng thời điểm sẽ giúp cây sử dụng hiệu quả chất dinh dưỡng nhận được, tăng khả năng chống chịu với các điều kiện môi trường và sâu bệnh hại, từ đó cho năng suất và chất lượng ổn định hơn.

Phân hữu cơ :

Trước hết, cần ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai để bón cho cây, giúp bổ sung chất hữu cơ cho đất, tăng cường độ phì nhiêu, độ ẩm của đất, giúp cây sử dụng các loại phân bón khác hiệu quả hơn từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định của cây thanh long. Bà con cần tránh sử dụng phân chuồng chưa qua xử lý, đặc biệt là phân gà tươi để bón cho cây thanh long, vì vẫn còn nhiều loại vi khuẩn và nấm bệnh gây hại cho cây trồng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân xung quanh. Khi thanh long chong đèn ra hoa trái vụ, bà con có thể chia phân hữu cơ thành các lần bón như sau:

Lần 1 Trước khi chong đèn 1 tháng, bón 5-10kg phân chuồng hoai mục hoặc 0.5kg phân hữu cơ vi sinh mỗi trụ.
Lần 2 Trước khi chong đèn 10-15 ngày, bón thêm 0.5kg phân hữu cơ vi sinh mỗi trụ.
Lần 3 Sau khi nụ hoa xuất hiện, bón 0.5kg phân hữu cơ vi sinh mỗi trụ.

Phân vô cơ :

Đối với phân vô cơ, bà con nên lựa chọn loại phân phù hợp, bón đúng liều lượng, đúng thời điểm và cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng có trong phân và chia ra nhiều lần bón để cây sử dụng hiệu quả, tránh rửa trôi gây lãng phí.

Lần 1 Phục hồi cây, sử dụng NPK hàm lượng theo tỉ lệ tương đương: 3/2/1
Lần 2 Phân hóa mầm hoa, tạo tiền đề ra hoa nhiều và đồng loạt, sử dụng NPK theo tỉ lệ: 1/3/2
Lần 3 Nuôi nụ nhỏ mập, NPK tỉ lệ: 2/2/1

LOẠI ĐÈN VÀ CÁCH BỐ TRÍ ĐÈN

Để việc xử lý ra hoa trái vụ được hiệu quả, bà con cần lựa chọn loại đèn và cách bố trí hợp lý đối với khu vườn của mình. Hiện nay có nhiều loại đèn được bà con sử dụng như là đèn sợi đốt 65-70W, đèn compact 20W, đèn cao áp 200-250W,…

Tùy theo điều kiện thời tiết, khả năng tài chính mà bà con có thể lựa chọn loại đèn phù hợp hoặc kết hợp các loại đèn với nhau để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Khi lựa chọn được loại đèn, bà con cần có cách bố trí đèn hợp lý để đảm bảo cây nhận đủ ánh sáng và đảm bảo an toàn của mình. Có các cách bố trí đèn như chong ngã tư hoặc chong ngã hai.

Chong ngã tư : Bóng đèn được mắc ở khoảng giữa 2 hàng cây, khoảng cách giữa 2 bóng là 3m, mắc bóng đèn giữa 4 trụ ở độ cao 1-1.2m so với mặt đất.

Chong ngã hai: Bóng đèn được mắc ở khoảng giữa 2 hàng, khoảng cách giữa 2 bóng là 3m, mắc bóng đèn giữa 2 trụ ở độ cao 1-1.2m so với mặt đất.

LOẠI ĐÈN VÀ CÁCH BỐ TRÍ ĐÈN KHI CHONG ĐÈN THANH LONG

LỊCH CHONG ĐÈN THANH LONG

Sau khi thiết kế và bố trí hệ thống đèn điện đúng kỹ thuật, thực hiện việc chong đèn thanh long vào ban đêm, liên tục 14-20 đêm, thời gian chong đèn mỗi đêm từ 8-10 giờ tùy thuộc vào mùa và điều kiện thời tiết. Từ tháng 10-11 (dương lịch), chong đèn vào lúc 22g-5g trong 14 đêm. Từ tháng 12-01, thời điểm này ngày ngắn nhất, thời tiết lạnh nên bắt đầu chong đèn vào 19g-5g, kéo dài 17-18 đêm. Từ tháng 02-03, thời điểm này khí hậu ấm áp hơn nên thời gian chong đèn rút xuống còn 7 giờ 1 đêm trong 10-12 đêm.

TUYỂN HOA

Kết thúc đợt chong đèn, bà con tiến hành tuyển nụ hoa, chỉ để 2-4 nụ hoa hoa phát triển tốt và ở mắt cách xa nhau trên mỗi cành. Sau khi hoa nở thì tiến hành tuyển trái, mỗi cành chỉ để lại 1-2 trái to đẹp, không bị sâu bệnh. Khi trái thanh long đã lớn, bà con tiến hành vuốt tai để tai dày, khi chín có màu xanh, cứng, đẹp, không bị cong vẹo làm ảnh hưởng đến mẫu mã của trái thành phẩm. Sau đợt chong đèn, bà con cũng nên chú ý tưới nước cho cây, nhịp độ tưới tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, khoảng 3-4 ngày tưới 1 lần, để đảm bảo đủ nước cho cây nuôi giữ trái.

thanh long chong đèn ra hoa trái vụ

CHĂM SÓC THANH LONG SAU CHONG ĐÈN TRÁI VỤ

Như thường lệ sau khi kết thúc vụ nghịch, bà con nông dân tiếp tục cho việc khai thác thanh long chính vụ. Khác với những loại cây trồng khác, thanh long là loại cây trồng có thể cho trái quanh năm khi tác động bằng ánh sáng. Thanh long có năng suất rất cao, bình quân thu hoạch khoảng 28 tấn/hecta/năm, nếu thâm canh tốt có thể đạt 40-50 tấn/hecta/năm. Cây thanh long thích hợp trồng trên nhiều loại đất nhưng phát triển rất tốt trên đất thịt. Chính vụ của cây vào tháng 4 – 8 dương lịch và rải vụ từ tháng 9 – tháng 4 năm sau. Trung bình có đến 5 – 7 đợt ra hoa cho thanh long chính vụ. Tuy nhiên, hiện nay, để được giá, thanh long có thể được kích thích ra hoa quanh năm theo ý muốn. Vào chính vụ, bà con không cần dùng đèn chiếu sáng để kích thích ra trái mà dinh dưỡng và quản lí sâu bệnh là yếu tố quyết định năng suất cây trồng. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm thanh long, các nông dân thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc đầu vụ như việc cắt cỏ, tỉa cành, tạo tán, bón phân hữu cơ,.. có như vậy mới giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao.

Nếu ở địa phương bà con bị nắng, gió và thời tiết khô hạn thì bà con nông dân cần phải cung cấp nước đầy đủ. Đối với cây đang ra trái thì cách 1 ngày phải tưới nước cho cây, cần phải tưới đủ nước cho cây thì cây mới cho trái bắt mắt, tăng giá trị của trái. Nếu cây không ra trái thì 3 – 4 ngày nên tưới 1 lần.

Sau khi hoàn tất vụ chong đèn, trước khi khai thác chính vụ, cây thanh long rất dễ bị bệnh (sâu bệnh, nấm) bà con nông dân cần lưu ý:

– Xử lí sạch cỏ

– Xử lí những cành, tàu bị bệnh và đem phơi khô tiêu hủy, chôn đúng nơi tập trung hạn chế lây nhiễm

=> Khi sử dụng vườn canh tác sạch thì năng suất hiệu quả cao hơn và chất lượng trái tốt hơn.

Đối với dinh dưỡng và chế độ bón phân chuẩn bị cho 1 vụ mới:

Cuối vụ, sau khi cắt thanh long xong, thì bà con nên bón cho cây phân rơm, phân bò, tủ rơm cho cây hồi sức, có lực để tiếp tục nuôi mùa sau. Khi vào mùa, thỉnh thoảng bà con nên bón 1 lần phân đạm, phân kali,… Vào những vụ mùa mưa, cuối mùa chong đèn thì bà con nên vào phân bò hoặc phân rơm để hồi sức tẩm bổ lại cho cây, hạn chế cây sinh bệnh.

Những yếu tố tác động đến thanh long trong giai đoạn sản suất thanh long chính vụ:

Khi chính vụ thanh long đã đến, sau qua trình cây đã trải qua thời kì chong đèn thì bà con cần lưu ý:

Nếu các vườn đang có trái non và cây còn yếu thì nên chú ý biện pháp phục hồi cho cây đủ sức để cây vượt qua trong vòng 6 tháng, đảm bảo những cành non mà chúng ta đã để ra những cành quả cho vụ tiếp thì phải năm rõ tình hình kết quả của cây, xây dựng nguồn dinh dưỡng thích hợp. Sử dụng phân chuổng, phân hữu cơ vi sinh, cắt cỏ, tỉa cành không có ích. Đối với nụ trên cành non thì nên tỉa bỏ để đảm bảo cây có đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt hơn sau này, đảm bảo năng suất cho mùa mới.

trái cây thanh long chất lượng tốt

Sử dụng phân bò tươi như thế nào là hợp lí?

Trong thành phần dinh dưỡng của phân bò giúp tăng cường tính đệm của đất, thông thoáng khí, làm đất tăng sức sống hơn từ đó làm cho rễ hấp thu tốt hơn.

Phân bò là môi trường cho hoạt động của các vi sinh vật hữu ích hoạt động tốt, làm tăng hiệu quả của cây và sức bền của rễ, nâng cao chất lượng.

Khi tiến hành đưa phân bò vào, bà con nên tiến hành ủ kĩ (ủ nóng, ủ nguội, ủ hỗn hợp) để làm cho phân bò hoai toàn bộ. Điều này sẽ làm giảm những hạt cỏ nằm trong phân bò, giảm tối đa các vi sinh vật gây hại, không làm ảnh hưởng đến bộ rễ, giúp cây trồng phát triển tốt.

Những biện pháp hạn chế tối đa bệnh đốm nâu và các bệnh trên cây thanh long vào mùa mưa:

Bà con nông dân cần hết sức lưu tâm đến những mầm bệnh đặc biệt trên các cành non. Khi phát hiện vết bệnh, thì bà con nên cắt bỏ và hủy (băm nhỏ hoặc dung vôi sát khuẩn tất cả nguồn bệnh). Bên cạnh đó, bà con cũng nên thu gọn làm vườn sạch sẽ để làm nguồn bệnh trong đất ít đi.

Nguồn bệnh lúc nào cũng tồn tại và có sẵn, yếu tố thời tiết là điều khó tránh khỏi, thì việc vệ sinh vườn, thoát tiêu nước tốt, phục hồi nâng cao sức đề kháng của cây sẽ giúp hạn chế tối đa sự phát triển bệnh đốm nâu hạng nặng.

Bài viết trên BioSacotec đã chia sẻ đến bà con toàn diện các kỹ thuật chong đèn thanh long cùng việc chăm sóc thanh sau chong đèn , mong rằng bà con có thể áp dụng hiệu quả. Chúc bà con thành công!

3.5/5 - (6 bình chọn)
author-avatar

About Mạnh Quân

Xin chào tôi là Mạnh Quân giám đốc Sacotec , chúng tôi đang tập trung vào mảng chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ sinh học, xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Đi kèm đó là việc phân phối cực kỳ đa dạng các sản phẩm hữu cơ trong và ngoài nước với giá tốt nhất như phân tảo bón lá, phân gà vi sinh, phân đạm cá, chế phẩm sinh học...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *